Cuộc đời có những trớ trêu trùng hợp lạ kỳ. Ngày tòa sơ thẩm tuyên tử hình Hồ Duy Trúc – kẻ cầm đầu vụ án chặt tay nạn nhân, cướp xe SH trên cầu Phú Mỹ, tôi cứ bị ám ảnh hoài khuôn mặt của mẹ và chị gái Trúc – những người được cho là đã “đại náo” sau phiên tòa.
Đang đi công tác Trung Quốc, nhưng nửa đêm vẫn bật dậy, lục trong đống hình tư liệu và giật mình nhận ra chị gái Hồ Duy Trúc chính là Hồ Thị Khánh Minh vợ sắp cưới của Tô Công Luân – chàng sinh viên nghèo ở làng Bình Quý (Ninh Phước - Ninh Thuận, qua đời sau khi sang Trung Quốc bán thận năm 2008. Đó là vụ việc thương tâm mà rất nhiều tờ báo đã vào cuộc phản ánh, vào tháng 6 - 2008.
Khánh Minh và bà Út (mẹ của Minh và Trúc) từng là nhân vật trong nhiều bài viết của tôi 6 năm trước. Khi đó, Minh mới 17 tuổi, bụng chửa vượt mặt, nhưng vì tình yêu với Luân đã tìm cách đi theo đường tiểu ngạch, vượt biên giới sang Quảng Châu đưa Luân về trong cảnh thân tàn ma dại với hai quả thận đã bị cắt. Bà Út, cũng chính là người đón Luân từ ga Tháp Chàm, rồi cùng Minh và gia đình Luân đưa cậu sinh viên nghèo ấy vào Sài Gòn, chăm sóc, chữa trị cho đến những ngày cuối đời. Luân mất 3 tuần sau thì đứa con trai của cậu và Khánh Minh cũng chào đời trong một căn chòi đất ở xóm bờ đê ven sông Dinh ở Phan Rang.
Vụ việc chấn động năm ấy của Tô Công Luân, Khánh Minh cùng bà Út là những nhân chứng, những người đi cùng số phận của Luân, những người cũng là nhân vật của báo chí. Năm ấy, lúc tìm đến Khánh Minh, tôi đã nhiều lần gặp Hồ Duy Trúc, “tướng cướp” khi ấy mới là cậu bé 15 tuổi, học lớp 9, còi cọc và nhút nhát. Tôi vẫn còn nhớ năm học sau đó, vì quen biết tôi, bà Út đã đưa Trúc đến nhà xin ông anh cả cho học thêm môn Văn, nhưng ông anh tôi nói về đợi hai năm nữa, khi nào ôn thi đại học, đến nhà sẽ kèm cho…
Bây giờ thì quá vãng ấy đã lùi xa. Chỉ có sự thật nhức nhối là Trúc đã trở thành một “tướng cướp”. Và ngày mai (24-3) sẽ là ngày phán quyết cho số phận của kẻ đã gây ra 15 vụ cướp kinh hoàng trên đường phố Sài Gòn.
Nhưng, những nỗi cay đắng của cuộc đời thì sẽ không theo Trúc đi vào vòng lao lý mà có thể sẽ ở lại mãi mãi với Khánh Minh, bà Út và những người thân của Trúc.
Sau phiên tòa sơ thẩm 3 ngày, tôi đã tìm gặp lại Khánh Minh, đi cùng Minh là một cô gái cũng trẻ như Minh 7 năm trước và một đứa trẻ mới 3 tháng tuổi. Đó chính là con trai và vợ chưa (không) cưới của Hồ Duy Trúc. Vợ Trúc nói, ngày Trúc bị bắt sau khi gây ra vụ cướp xe SH cũng là ngày cô biết mình mang thai. Đứa bé được 3 tháng tuổi thì tòa tuyên án tử hình Trúc. Ngày tòa sơ thẩm diễn ra, bảo vệ đã đuổi một thiếu phụ và đứa trẻ còn ẵm ngửa ra khỏi cổng tòa, vì quy định không cho phép. Có lẽ không ai biết đó chính là vợ và con trai của “tướng cướp” Hồ Duy Trúc.
Minh nói, cô muốn tìm đến những nhà báo năm xưa từng giúp đỡ mẹ con cô, có cách nào nói giúp cho Hồ Duy Trúc được thoát án tử hình. Không chỉ vì tình máu mủ với em trai mà vì Minh thương một cô gái sắp phải chứng kiến cái chết của chồng, thương một đứa trẻ vừa chào đời đã có thể không bao giờ còn nhìn mặt cha. “Em thương mẹ con nó (vợ, con Hồ Duy Trúc) vì hai mẹ con giờ cũng giống như cuộc đời của mẹ con em 6 năm trước, sinh ra đã không biết mặt cha” – Khánh Minh nói.
Ngày mùng 4 Tết vừa rồi, tôi về lại căn chòi đất ven sông Dinh – ngôi nhà của “tướng cướp” Hồ Duy Trúc để tìm bà Út, người đàn bà đã “đại náo” phiên tòa bằng những lời lẽ được mô tả trên báo chí là tục tĩu và lưu manh, nhưng không gặp. Trước cổng treo biển “bán nhà”, hàng xóm chỉ cho tôi biết vợ chồng bà và một bầy cháu 12 đứa đang vật vạ ở lề chợ Phan Rang, bán bông và trái cây. Bầy cháu mà bà phải cưu mang tôi gặp 6 năm trước mới có 5 đứa. Nhưng trong từng ấy năm đã có thêm ba đứa con gái của bà Út bị chồng bỏ, giao thêm cho bà sáu đứa cháu, cùng đứa con trai mới đẻ của Trúc nữa là đủ một chục (theo cách tính của người Phan Rang).
Bà Út còn nhận ra tôi, niềm nở mời dĩa trái cây và phân bua đủ thứ về hành động của bà ở phiên tòa. Bà nói bà ít học nên khi nghe tòa tuyên con trai bị tử hình bà nghĩ vậy là xong luôn rồi, vì không biết còn có thể kháng án, còn phiên phúc thẩm. Rồi thấy Trúc bị dẫn ra xe tù, bà nghĩ đó là lần cuối còn thấy thằng con trai duy nhất của bà. Vậy là bà gào thét. Còn ném đá giữa tòa như báo đưa, bà nói bà không ném, “vì đá ở đâu ra trong tòa mà ném chớ chú” – bà phân bua.
Bà Út cũng thừa nhận đã “manh động” với một nữ phóng viên. Nhưng bà nói, suốt buổi xử cô phóng viên này cứ dí máy ảnh kè theo bà. Đến khi tòa tuyên con bà tử hình, mọi người ra về gần hết vẫn không buông bà ra mà cứ dí theo chụp hình bà hoài. “Con người ta bị tử hình mà cứ dí người ta chụp hình hoài, tui làm sao bình tĩnh được…” – Bà Út kể lại. Một tháng sau đó, bà Út cùng một nhà báo cũng gặp lại luật sư Bình (người bào chữa cho Trúc ở phiên tòa sơ thẩm) quán cà phê ở trụ sở tòa án thành phố và luật sư Bình cũng xác nhận, người đe dọa luật sư tại tòa như báo chí từng đưa không phải là bà Út.
Cuộc đời Khánh Minh đã trôi nổi, đời bà Út còn trôi nổi hơn trăm lần. Bà có tới 12 người con, có 3 đứa đã chết vì nhiều lý do. Một đứa con trai nữa đi lạc từ nhỏ, có lần nghe trên báo có người ở Mỹ về tìm cha mẹ, nhân dạng và hoàn cảnh giống đứa con trai đó của bà. Nhưng khi bà tất tả vào tới Sài Gòn thì người ta đã về Mỹ, đến giờ vẫn bặt tin.
Trúc là một trong hai đứa con trai còn lại của bà, nhưng người anh trai lớn (nay đã gần 40 tuổi) bị bại liệt từ nhỏ và lê la ăn xin ở chợ Phủ Hà, nhiều lần bà Út ra đưa về nhưng không được. Bởi thế Trúc được coi là đứa con để nối dõi của gia đình. Những đứa còn lại đều là gái và có đến 5 đứa bị chồng bỏ, giao cho bà bầy cháu 12 đứa mà hàng trái cây ở lề chợ Phan Rang không cách nào giúp bà nuôi nổi.
Sự ngờ ngợ của tôi khi xem bức ảnh bà đại náo phiên tòa là vì bà đã quá già so với tấm hình tôi chụp bà ở chợ hoa Phan Rang năm 2009. Còn may, hàm răng rụng gần hết và khuôn mặt khắc khổ của bà ám ảnh, để lục lại mớ ảnh tư liệu và nhận ra bà, nhận ra Khánh Minh và một chuỗi dài cay đắng trong nog6i nhà vách đất ven con sông Dinh.
Để có tiền thăm nuôi con, vợ chồng bà Út phải vay lãi nặng (1 triệu, 50 ngàn tiền lời/ ngày) để vào Sài Gòn. Cách đây 1 tuần, bà đã gọi cho tôi, nói đã vay được 20 triệu và đưa cho nạn nhân của Trúc (cô gái bị chặt tay) với hy vọng tòa sẽ xem xét giảm nhẹ án cho Trúc. Bà nói, nạn nhân muốn đền 100 triệu, nhưng bà treo biển bán nhà hai tháng nay chưa ai mua, nên đi vay nóng đưa trước, mong sẽ được tòa lượng thứ cho thằng Trúc khỏi án tử…
Cuộc đời bà Út đã quá đủ đắng cay, bầm dập, nên bà nói cứ chắc như đinh đóng cột rằng thằng Trúc bị án tử thì bà cũng sẽ tự tử. Bà không nói điều này trước tòa, chỉ nói với vài người quen biế,t nên tôi tin đây không phải là lời nói dọa, để gây một áp lực hay để ăn vạ với cơ quan công quyền. Bà nói, làm vậy để tự giải thoát nỗi cay đắng “phúc bất trùng lai” của cuộc đời mình, cuộc đời Khánh Minh, của con cháu bà…
Án tử hình của Hồ Duy Trúc đã từng gây ra một tiếng “ồ” rất lớn tại phiên tòa sơ thẩm vì không ai nghĩ tòa sẽ nâng án chung thâm mà VKS đề nghị. Nhưng dư luận sau đó đều ủng hộ bản án của tòa, bởi nỗi ám ảnh quá lớn của những vụ cướp kinh hoàng của Trúc và đồng bọn gây ra. Và bởi thế, nếu ngày mai Trúc phải đền tội để làm giảm đi nỗi kinh hoàng của những người dân lương thiện ở Sài Gòn thì đó cũng là một phán quyết khó cãi về mặt pháp lý lẫn nhân tâm.
Chỉ đau lòng là sau phán quyết ấy, không chỉ một mình “tướng cướp” Hồ Duy Trúc lãnh án…
Sáu năm trước, trong một bài báo của mình về vụ việc thương tâm Tô Công Luân bán thận, tôi từng viết rằng: “Có ông nhà văn nổi tiếng từng viết rằng "ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới...." Nhưng ranh giới ấy với Luân, Khánh Minh và gia đình giờ đang ở đâu thật khó tìm. Có đôi lúc như lúc này, tôi tin: cuộc đời cũng có những bất công”.
Và có thể, ngày mai sau phán quyết của tòa, tôi sẽ phải điền thêm têm của bà Út, của vợ con Hồ Duy Trúc, của rất nhiều người nữa phía sau Luân và Khánh Minh trong >>> bài viết năm nào.