(Dân Việt) Hàng loạt thương vụ đầu tư, dự án của Tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu khí (PVC) đầu tư trong giai đoạn Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận điều hành đã bị thua lỗ, không hiệu quả như dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, đầu tư vào PVC-Mekong, PVN – Land...
Theo nguồn tin của Dân Việt, việc ông Trịnh Xuân Thanh, ông Vũ Đức Thuận cùng một số cá nhân khác tại PVC bị khởi tố, điều tra có nội dung về việc sử dụng số tiền tạm ứng cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Tiền tạm ứng dự án đem đầu tư thua lỗ
Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư dự án. PVC đã ký hợp đồng EPC xây dựng Nhà máy Nhiện điện Thái Bình 2 với Ban quản lý Dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 – PVN với giá trị là khoảng 918 triệu USD và 5.874 tỷ đồng.
Đến thời điểm lập báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2016, tổng giá trị hợp đồng tạm tính PVC đã ký với các nhà thầu phụ cho công trình Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã vượt quá giá trị hợp đồng EPC ký với Ban quản lý Dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 - PVN.
Theo công văn số 737/TTg-KTN ngày 23.5.2014 của Thủ tướng Chính phủ, công trình Nhà máy Nhiện điện Thái Bình 2 được bổ sung vào danh mục các dự án điện cấp bách giai đoạn 2013 – 2020; dự án được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù ban hành tại Quyết định số 2414/QĐ-TTg ngày 11.12.2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 7.1.2015, PVN đã có Công văn số 091/DKVN-HĐTV gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt tổng mức đầu tư Dự án Nhà máy Nhiện điện Thái Bình 2. Ngày 16.12.2015, Bộ Công thương đã có Báo cáo số 12839/BCT-TCNL ngày 16.12.2015 và giao Bộ Công thương chỉ đạo PVN rà soát lại chi phí đầu tư trước khi phê duyệt điều chỉnh hợp đồng EPC.
Tuy nhiên, theo báo cáo kiểm toán 6 tháng đầu năm 2016, kiểm toán viên của Công ty kiểm toán Deloitte có ý kiến rằng PVC chưa ghi nhận bất kỳ khoản lãi/lỗ nào tại công trình này, doanh thu tại công trình này được ghi nhận tương ứng với chi phí của hợp đồng đã phát sinh mà việc được hoàn trả là tương đối chắc chắn.
Được biết, nhóm cán bộ chủ chốt của PVC là người trực tiếp ký duyệt các thủ tục về tài chính dự án nhà máy nhiệt điện có công suất thiết kết 1.200 MW với tổng mức đầu tư hơn 34.295 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD).
Được biết, PVC đã ký hợp đồng EPC với Ban quản lý Dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 - PVN với giá trị khoảng 918 triệu USD và 5.874 tỷ đồng. Cũng ngay trong năm 2011, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ký hợp đồng EPC đã tạm ứng cho dự án này 1.312 tỷ đồng và 6,6 triệu USD.
Thông tin ban đầu cho biết, sau khi nhận được số tiền tạm ứng trên, PVC đã sử dụng 1.080 tỷ đồng để thanh toán nợ gốc vay ngân hàng 425 tỷ đồng; thanh toán lãi vay uỷ thác của PVN 55 tỷ đồng; hỗ trợ vốn Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ 74 tỷ đồng; hỗ trợ vốn công trình Vũng Áng 103 tỷ đồng; hỗ trợ vốn cá công trình khác 156 tỷ đồng.
Ngoài ra, PVC còn sử dụng số tiền trên để góp vốn vào 5 công ty con gồm: Công ty PVC-MS 102 tỷ đồng; Công ty PVC-Land 50 tỷ đồng; Công ty PVC-Hoà Bình 55 tỷ đồng; Công ty PVNC 30 tỷ đồng và Công ty PVC-Mekong 30 tỷ đồng. Đến nay có 3 công ty kinh doanh thua lỗ không thu hồi được vốn, PVC đã phải trích lập dự phòng và hạch toán kinh doanh thua lỗ.
Trách nhiệm của Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức thuận đến đâu?
Với số tiền 50 tỷ đồng đầu tư vào PVC-Land, tính đến thời điểm ngày 31.12.2013, số tiền PVC đã đầu tư là gần 203,8 tỷ đồng, trong đó có 50 tỷ đồng sử dụng nguồn tiền 1.080 tỷ ở trên. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của PVC-Land từ năm 2011 đến năm 2015 thua lỗ mất hết vốn điều lệ nên Tổng công ty PVC đã phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tài chính vào PVC-Land, đến ngày 31.12.2013 là gần 202,8 tỷ đồng, đến ngày 31.12.2015 là gần 158,8 tỷ đồng.
Với số tiền 30 tỷ đồng đầu tư vào PVC-Mekong, tính đến thời điểm ngày 31.12.2013 số tiền PVC đã đầu tư là hơn 153,5 tỷ đồng, trong đó có 30 tỷ đồng sử dụng nguồn tiền 1.080 tỷ đồng tạm ứng trên.
Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của PVC-Mekong từ năm 2012 - 2015 cũng trong tình trạng thua lỗ mất hết vốn điều lệ nên PVC đã phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư tài chính vào đây. Số liệu cho thấy, đến ngày 31.12.2013 trích lập dự phòng 147,2 tỷ đồng, đến ngày 31.12.2015 là 153,4 tỷ đồng.
Với những việc quản lý, chi tiêu bất thường ở dự án này, cơ quan chức năng sẽ làm rõ những vấn đề: Việc PVC đầu tư vào 2 công ty PVC-Land và PVC-Mekong có đúng với quy định của pháp luật không? Và việc hai công ty trên kinh doanh thua lỗ mất hết vốn điều lệ nên PVC đã phải trích lập dự phòng cho các khoản đã đầu tư vào 2 công ty này có gây thiệt hại không và mức độ thiệt hại như thế nào ? Ông Trịnh Xuân Thanh, ông Vũ Đức Thuận có trách nhiệm gì trong những viêc này? Tất cả những điều này cũng cần một số bộ, ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đánh giá.
Về việc rót vốn vào các công ty con dẫn đến tình trạng thua lỗ, báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán, giai đoạn năm 2011 - 2013 cũng đã chỉ ra rằng, PVC đã để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng, bao gồm hàng trăm tỷ đồng rót vốn cho các công ty con hoạt động không hiệu quả.
Trong số này phải kể đến khoản đầu tư hơn 300 tỷ đồng vào Công ty cổ phần thi công cơ giới và lắp máy dầu khí (PVC-ME). Theo kết luận của các cơ quan chức năng, sau 3 năm thành lập, PVC-ME đã để xảy ra thua lỗ hơn 576 tỷ đồng, dẫn đến mất toàn bộ vốn chủ sở hữu và nợ nần chồng chất.
Bê bối tại công ty này được phát hiện và 11 người thuộc PVC-ME bị khởi tố về tội Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Quá trình xét xử, cơ quan chức năng xác định PVC-ME lập quỹ trái phép hơn 85 tỷ đồng để sử dụng cho hoạt động đối ngoại, tiếp khách. Nhóm bị cáo liên quan đã gây thiệt hại cho công ty hơn 52 tỷ đồng.