(PL) - Chỉ đạo và trực tiếp bắt hàng ngàn người phạm tội, trong đó có những người là giang hồ cộm cán nhưng trưởng phòng PC45 Công an TP Hải Phòng theo đuổi triết lý “Cách đấu tranh với tội phạm tốt nhất là phòng ngừa, không để tội phạm xảy ra”.
Theo ông, để làm được điều đó phải hiểu, chơi thân với giang hồ, đối tượng mà công an quản lý.
“Đấu tranh với tội phạm của người chiến sĩ công an nói chung, lính hình sự nói riêng là phòng ngừa tội phạm. Tôi chơi thân với rất nhiều giang hồ cộm cán ở Hải Phòng” - Đại tá Lê Hồng Thắng, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) Công an TP Hải Phòng, tâm sự.
20 năm bắt quá nhiều anh em, bạn bè
. Phóng viên: Hình như giang hồ đất Hải Phòng không nhớ tên thật của ông mà họ lại biết rất rõ về “Thắng Phẩm”. Do đâu họ gắn cho ông biệt danh này?
+ Đại tá Lê Hồng Thắng: (Cười lớn) Thú thiệt là nhiều lúc gọi điện thoại thuyết phục bị can, nghi phạm ra đầu thú tôi xưng tên thật, đầy đủ chức danh, họ ngơ ngác. Nhưng khi tôi nói: Anh Thắng “Phẩm” đây thì họ hợp tác. Gọi tôi thế nào cũng được, miễn là họ biết cái tâm, cái uy của tôi. Cái uy là thể hiện lý trí, cái tâm là tính nhân văn trong nghề nghiệp của mình. Giang hồ, đối tượng hình sự biết tôi như thế là đủ rồi!
. Ông có chơi với giang hồ hay các đối tượng hình sự?
+ Có chứ! Thậm chí còn rất thân. Tôi chơi thân với họ vì hai lẽ. Họ là công dân bình đẳng với mình, kế đến họ là đối tượng mình quản lý nên càng phải có quan hệ chặt chẽ với họ. Lính hình sự mà không chơi được với các đối tượng hình sự thì không bao giờ làm được nghề.
Tôi chơi với anh để nhắc nhở khi tôi phát hiện anh có biểu hiện vi phạm pháp luật, anh không nghe tôi sẽ làm nhiệm vụ của người chiến sĩ công an.
Hồi tôi còn làm đội trưởng ở tuyến, vào những năm 1999-2000, tôi có lập chuyên án bắt một người có quan hệ thân thiết. Người này ăn hỏi, đón dâu tôi đều đến dự. Khi tôi biết anh ta tách nhóm, ra cảng Hải Phòng giành địa bàn cung cấp hàng cho các thủy thủ, thuyền viên, tôi đã khuyên nhủ. Sau đó người này tiếp tục gây ra tình trạng mất an ninh trật tự, lập kế hoạch nổ súng, đâm chém nhau để giành địa bàn, chúng tôi đã phải lập chuyên án, bắt đến 10 người trong vụ đó.
. Vậy hóa ra ông thường phải bắt những người từng là anh em, bạn bè?
+ Tôi rất đắn đo và rất muốn làm sao đối tượng mình sắp bắt tự chấm dứt quá trình phạm tội. Nói gì thì nói, họ đã từng là bạn mình. Nếu bắt họ thì gia đình, anh em, bạn bè và nhiều người liên quan khác của họ sẽ cho mình là người không tốt. Nhưng tôi tự tin là mình không lợi dụng, không ăn chia, xúi giục họ làm việc xấu. Mình đã nhắc nhở mà họ vẫn vi phạm, buộc phải làm.
Vụ án giết người ở rạp chiếu phim Công Nhân (đường Cát Dài, quận Lê Chân) cách đây nhiều năm làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Đối tượng là hàng xóm với nhà tôi, chơi rất thân và tình nghĩa. Khi anh ta gây án, tôi đã thuyết phục người nhà vận động ra đầu thú để thoát án tử hình nhưng anh ta không nghe. Tôi phải tổ chức truy nã và một tháng sau chúng tôi bắt được. Khi bắt, anh ta không chống trả và mình chỉ làm công tác áp giải về cơ quan CSĐT nên tôi để anh ta trong diện đầu thú. Việc này vừa đảm bảo công việc vừa mang tính nhân văn.
Gột rửa ô tạp bằng tiếng chuông chùa
. “Vận dụng linh hoạt pháp luật để cứu một con người hơn là ép họ vào đường cùng”. Liệu ông có áp dụng điều này với những người là “đối tượng” ngoan cố, người ông không quen biết…?
+ Tiếp xúc với những đối tượng hình sự, chúng ta cần tư duy vừa khoa học vừa nhân văn, xem xét hoàn cảnh, động cơ của họ để đối xử cho phù hợp.
Tôi từng bắt đối tượng mà động cơ phạm tội của họ rất đáng thương. Vụ đó, anh ta đi làm thuê rồi lấy vợ. Khi vợ sắp sinh, anh ta không có tiền nên nghĩ quẩn, đi cướp xe. Khi bắt, anh này chỉ xin là được gặp vợ một lần trước khi vợ sinh. Nguyên tắc là không được làm như vậy nhưng tôi đã đấu tranh giữa lý trí và tình người. Tôi thuyết phục cấp trên về những cái lợi cho quá trình điều tra khi cho anh ta gặp vợ và tôi tính toán tỉ mỉ để đối phó sao cho an toàn với người phụ nữ có bầu sắp sinh.
. Ông chuyên đi bắt bớ, chắc những người là đối tượng của ông sẽ oán hận, thù hằn…?
+ Những người khi bị bắt thì biết rất rõ tội của mình. Tôi làm việc dựa trên những phân tích thực tế và cơ sở khoa học nên mọi quyết định dù nhanh, quyết đoán nhưng đều rất thận trọng.
Trước những vụ phá án lớn, tôi thường đến chùa để nghe tiếng chuông và tiếng kinh. Trước cửa Phật, suy nghĩ của mình trong sạch, không gian dối và khi bước chân ra khỏi chùa để đưa quyết định, tôi thấy nhẹ nhàng. Tôi thích đi chùa, nghe tiếng chuông chùa để có sự tĩnh tâm và tự tin là mọi việc mình làm đều đúng với lương tâm và nhiệm vụ. Ở phòng làm việc, tôi để đồng hồ có chuông, vừa để nhắc nhở bản thân mình về thời gian, vừa để luôn có sự tác động giữa cái tĩnh, cái động của cuộc sống. Để biết rằng mình không chỉ sử dụng khẩu súng lạnh lùng mà còn là một chiến sĩ mang đam mê nghề nghiệp và trách nhiệm với con người.
Trong 20 năm làm hình sự, chính những người bị tôi bắt thì khi họ ra tù, tôi lại giúp đỡ họ làm ăn chân chính và họ trở thành anh em, bạn bè, thậm chí có người còn xin tôi nhận làm con nuôi. Bản chất của đấu tranh tội phạm là phòng ngừa tội phạm. Đấu tranh, triệt phá các ổ nhóm để phòng ngừa không xảy ra các hoạt động tội phạm mới là điều quan trọng. Không xảy ra các hoạt động tội phạm thì tốt hơn nhiều.
. Trong vụ án cướp 92.000 USD ở sân bay Cát Bi, ông từng khóc?
+ Đó là kỷ niệm đáng nhớ trong đời làm công an của tôi. Chuyên án đó mang bí danh 198C, tôi điều tra hơn một tháng trời, hồ sơ làm 400 trang nhưng không đủ thuyết phục. Về linh cảm, tôi biết việc xảy ra nhưng tôi không thuyết phục được về mặt chứng cứ. Gần đến ngày đối tượng thoát ra nước ngoài, tôi đã ở lại cơ quan, ôm đống hồ sơ của mình và ngồi khóc. Cảm giác rất khó tả. Vụ đó, chỉ còn một ngày cuối cùng, tôi đã đấu tranh với đối tượng thành công càng củng cố niềm tin chính nghĩa luôn luôn thắng…
Lần thứ hai tôi bất lực là vụ bắt hụt một đối tượng giang hồ cộm cán của Hải Phòng. Anh ta và tôi đứng đối mặt ở hai bên đường nhưng tôi không được phép hành động vì an toàn cho mọi người. Vụ này như kỷ niệm đắng với tôi…
. Ông nhắn nhủ gì với những người trẻ?
+ Làm nghề gì cũng cần có đam mê. Riêng tôi, chỉ đam mê công việc nên mới có những dữ liệu về các đối tượng trên địa bàn, hoặc không phải ở địa bàn mà tôi biết, nó sẽ giúp mình không sai sót.
Chẳng hạn, vụ đối tượng đâm chém ở cây xăng Đông Á. Thói quen ăn trứng của đối tượng hết sức đời thường và khoa học hình sự lưu ý mình phải nắm những chi tiết đó nhưng không nói cụ thể mình nghiên cứu để làm gì. Khi làm việc, những chi tiết đó sẽ giúp mình tư duy logic để ra quyết định…
. Xin cám ơn ông.
***
Đại tá Lê Hồng Thắng (sinh năm 1965) từng là học sinh xuất sắc của TP Hải Phòng. Từ khi vào ngành công an, ông đã ba lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng CAND, năm lần được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và nhiều lần được Bộ Công an, UBND TP Hải Phòng khen thưởng, liên tục 13 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; năm 2007 là một trong 10 gương mặt tiêu biểu của TP Hải Phòng; năm 2014 được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc…
Theo thống kê, trước năm 2015, trung bình mỗi tháng ở Hải Phòng có tám vụ án mạng, có nhiều vụ thanh trừ giữa các nhóm giang hồ. Trong năm 2015, các vụ án mạng nghiêm trọng hầu như không có. Điều này có sự góp sức không nhỏ của lực lượng cảnh sát hình sự TP Hải Phòng.
Ông Thắng thực hiện triệt để phương châm ngăn ngừa tội phạm và chiến công thầm lặng gần đây nhất là ông đã chỉ đạo ngăn bữa “đại tiệc 500 giang hồ” ở Hải Phòng gần cuối năm 2015…