Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

Những điều chưa từng công bố về Chủ tịch HĐQT OceanBank vừa bị bắt

Duyên Duyên

Một Thế Giới - Xuất thân từ một gia đình nông nghèo, ông Hà Văn Thắm như hình tượng "doanh nhân thành đạt", nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng, nhiều danh hiệu cao quý. Tuy nhiên, ngày 23.10.2014, ông chính thức bị cách chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương - OceanBank, ngay sau đó bị bắt vì có nhiều sai phạmbị bắt vì có nhiều sai phạm. Một Thế Giới "hé lộ" cùng bạn đọc những nguồn tin chưa từng công bố...

Từ xuất thân nghèo khó...

Ông Hà Văn Thắm sinh năm 1972, xuất thân trong một gia đình nông nghèo tại xã An Hà, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Năm 1993, ngay khi vừa ra trường, được một người bạn làm nghề luật sư khuyên nên kinh doanh, ông Thắm mạnh dạn chạy đi vay mượn bạn bè số vốn vài nghìn đôla để bắt đầu sự nghiệp.

Mặt hàng kinh doanh đầu tiên của Nguyên Chủ tịch Ocean Group là dầu ăn và lốp xe ôtô. Ông chính là một trong những người đầu tiên đưa dầu ăn Neptune vào Việt Nam. Sau khi phân phối, ông chuyển sang mua bán sáp nhập một số công ty sản xuất của nước ngoài. Đến năm 1997, ông đã có trong tay cả một doanh nghiệp có tên Doanh nghiệp tư nhân Bình Minh. 4 năm tiếp theo, ông Thắm trở thành Tổng giám đốc của Công ty TNHH VNT và Tổng giám đốc của Công ty liên doanh VietCans.

Năm 2003, ông Thắm tình cờ gặp một cổ đông muốn bán cổ phần của Ngân hàng nông thôn Hải Hưng, ông cùng một số người bạn bỏ tiền ra mua lại. Sau đó đổi tên thành Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Ocean Bank). Đồng thời ông giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT.
Đường đến đỉnh vinh quang không dễ dàng...

Tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành Quản trị Kinh doanh tại Trường Đại học Comlombia Common Wealth – Mỹ và bảo vệ Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh tại Trường Đại Học Công nghệ Paramount – Mỹ, ông Thắm được biết đến là người có bề dày kinh nghiệm trong quản lý, chiến lược kinh doanh tài chính, bất động sản.

Cũng bởi vậy mà sau ngân hàng là sự một loạt các lĩnh vực khác đánh dấu tên tuổi của Hà Văn Thắm như chứng khoán, bất động sản, truyền thông, nhà hàng, khách sạn… Cụ thể, ông Hà Văn Thắm đã giữ các chức vụ như Chủ tịch CTCP Khách sạn và du lịch Đại Dương (Ocean  Hospitality), Chủ tịch  CTCP Bán lẻ và quản lý bất động sản Đại Dương (Ocean Retail), Thành viên HĐQT CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk)- Đại diện cho SCIC, Thành viên HĐQT CTCP VS Industry  Viet Nam – Đại diện  cho công ty VNT.

Ông Hà Văn Thắm chỉ trực tiếp đứng tên sở hữu 1,11% ở Tập đoàn Đại Dương nhưng sở hữu gián tiếp qua các công ty con mà ông sở hữu thì tỷ lệ này khá lớn, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo đang nắm giữ 44,37% Ocean Group mà ông Thắm là chủ sở hữu.

Sau 6 năm thành lập đến nay Ocean Group đã có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng tăng gấp 300 lần. Tổng tài sản lên đến gần nửa tỷ USD. Ông Hà Văn Thắm nắm trong tay khối tài sản lên đến 1.501 tỷ đồng, tính đến cuối năm 2013. Còn tính đến ngày 30.6.2014, Nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank vẫn nắm giữ trên 3 triệu cổ phiếu của ngân hàng này, với số tiền lên đến 36,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông cũng nhiều năm liên tiếp được lọt vào Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Trong đó mới nhất là cuộc soán ngôi vị vươn lên vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2013.

Nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng OceanBank cũng từng đạt danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” và “Cúp Thánh Gióng” năm 2009, nhận bằng khen và cúp “Vì sự nghiệp Văn hóa Doanh nhân Việt Nam” năm 2008 do Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam trao tặng.

...Cay đắng khi bị miễn nhiệm!

Chiều ngày 24.10.2014, Ngân hàng Nhà nước chính thức phát đi thông cáo về việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng OceanBank của ông Hà Văn Thắm vì phát hiện một số vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Theo đó, trong quá trình triển khai Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đã được Bộ Chính trị, Chính phủ phê duyệt, NHNN tiến hành thanh tra pháp nhân, thanh tra chất lượng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng.

Qua thanh tra, NHNN đã phát hiện một số vi phạm pháp luật nghiêm trọng của cá nhân ông Hà Văn Thắm.

NHNN cũng cho biết, đơn vị này đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm minh các vi phạm tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương theo quy định của pháp luật.

Chỉ liên quan đến OceanBank
***

Khoảng 19g30 ngày 24-10, cơ quan cảnh sát điều tra thực hiện lệnh khám xét tại trụ sở của OceanBank và nhà riêng bị can Hà Văn Thắm để thu thập các tài liệu liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thông báo về việc đình chỉ quyền và nghĩa vụ của chủ tịch, thành viên HĐQT OceanBank đối với ông Hà Văn Thắm.

HĐQT của OceanBank cũng có quyết định miễn nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT của ông Hà Văn Thắm, đồng thời bầu bà Nguyễn Minh Thu - thành viên HĐQT - làm chủ tịch HĐQT và thôi đảm nhiệm chức danh tổng giám đốc, giao bà Nguyễn Thị Mai Hương - phó tổng giám đốc - làm phó tổng giám đốc phụ trách OceanBank.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, quá trình triển khai đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đã phát hiện một số vi phạm pháp luật nghiêm trọng của ông Hà Văn Thắm.

Việc đình chỉ quyền và nghĩa vụ của ông Thắm nhằm xử lý nghiêm minh các vi phạm theo quy định của pháp luật và bảo đảm cho OceanBank hoạt động an toàn, ổn định.

Việc đình chỉ này đối với ông Thắm không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của OceanBank. Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm minh các vi phạm tại OceanBank.

Cùng ngày 24-10, OceanBank có thông cáo báo chí về việc miễn nhiệm đối với ông Hà Văn Thắm.

Theo đó, bà Nguyễn Minh Thu - chủ tịch HĐQT OceanBank - cho biết những vi phạm của cá nhân ông Hà Văn Thắm được Ngân hàng Nhà nước phát hiện qua thanh tra sẽ được cơ quan pháp luật xem xét xử lý theo quy định hiện hành.

Bà Thu cũng khẳng định OceanBank sẽ tiếp tục thực hiện các mục tiêu hoạt động ổn định, bền vững, an toàn, tập trung xử lý nợ xấu và đảm bảo tăng trưởng theo đúng chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là đảm bảo mọi lợi ích cho khách hàng, đối tác...

Ngoài chức danh chủ tịch HĐQT OceanBank vừa bị miễn nhiệm, ông Hà Văn Thắm còn giữ các chức vụ chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (OGC), chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần khách sạn và dịch vụ Đại Dương (OHC), chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần bán lẻ và quản lý bất động sản Đại Dương (ORC), thành viên HĐQT Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và thôi vị trí này từ năm 2013, chủ doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo.

Hành vi vi phạm pháp luật của ông Thắm được xác định chỉ liên quan đến hoạt động tại OceanBank.

Trong quá trình thanh tra tại OceanBank, thanh tra Ngân hàng Nhà nước phát hiện có một số khoản vay có dấu hiệu gây mất vốn của ngân hàng.

Trong đó có việc cho vay sai quy định, cho vay các khoản tiền lớn không có thế chấp tài sản. Những sai phạm này được chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra để tiếp tục điều tra làm rõ.

Tiến hành điều tra, xác minh mở rộng, cơ quan điều tra xác định vào tháng 11-2012, Công ty TNHH thương mại dịch vụ Trung Dung đề nghị OceanBank cho vay tiền để thực hiện các dự án của mình. Các dự án của công ty này chủ yếu liên quan đến lĩnh vực bất động sản.

Sau khi công ty này đề nghị vay vốn đầu tư, ông Hà Văn Thắm ký các quyết định cho công ty này vay khoảng 500 tỉ đồng nhưng không đảm bảo các khoản thế chấp và sai quy định.

Cho đến nay, Công ty TNHH thương mại dịch vụ Trung Dung chưa thanh toán được tiền cho OceanBank theo quy định, có dấu hiệu mất khả năng thanh toán.

Trao đổi với PV sau khi bị can Hà Văn Thắm bị bắt, lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định cơ quan này sẽ có các biện pháp cần thiết, kịp thời để ổn định thị trường cũng như đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền và khách hàng của ngân hàng.
***

Điều 179 Bộ luật hình sự quy định người nào trong hoạt động tín dụng mà có một trong các hành vi cho vay không có bảo đảm trái quy định của pháp luật; cho vay quá giới hạn quy định; hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cho vay trong hoạt động tín dụng, gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 7 năm.

Hành vi phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm và phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

Ngoài ra, điều 179 cũng quy định rõ người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến hoạt động tín dụng từ một năm đến năm năm.

Theo TTO