Chưa có vụ án hình sự xen lẫn chính trị nào qui mô bằng vụ Chu Vĩnh Khang mà Chính phủ Bắc Kinh đang thực hiện, ít nhất trong hai thập niên qua. Reuters (30-3-2014) cho biết, Bắc Kinh đã tịch thu số tài sản trị giá đến 14,5 tỉ USD từ thân nhân và thành phần cánh hẩu của cựu Ủy viên thường vụ Bộ chính trị-cựu Bộ trưởng Bộ công an Chu Vĩnh Khang. Hơn 300 bà con, đồng minh chính trị và cựu viên chức từng làm việc dưới trướng họ Chu cũng bị bắt…
Bẻ răng cọp
Chiến dịch “bẻ răng cọp” với các vụ xét nhà và tịch thu tài sản những người thân cận Chu Vĩnh Khang đã được thực hiện tại Bắc Kinh, Thượng Hải và 5 tỉnh khác trong ít nhất bốn tháng qua. Hàng loạt tài khoản bị khóa; khoảng 300 căn hộ-biệt thự trị giá chừng 1,7 tỉ tệ bị tịch thu; chưa kể nhiều đồ cổ và tác phẩm nghệ thuật trị giá 1 tỉ tệ cùng hơn 60 xe hơi và vàng bạc…
Trong số thân nhân và vây cánh Chu Vĩnh Khang bị bắt có vợ ông – cựu phóng viên truyền hình Cổ Hiểu Diệp; cậu con trai (từ cuộc hôn nhân trước) Chu Bân; cựu chủ tịch PetroChina và Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) Tương Khiết Mẫn; cựu Thứ trưởng công an Lý Đông Sanh… Hơn 20 cận vệ, thư ký, tài xế của Chu Vĩnh Khang cũng bị câu lưu… Ký Văn Lâm, một tay chân thân tín của Chu Vĩnh Khang, bất ngờ bị rớt khỏi ghế Phó chủ tịch tỉnh Hải Nam. Ký từng làm việc cho Chu khi Chu là Bộ trưởng tài nguyên đất đai vào cuối thập niên 1990; sau đó đương sự theo Chu đến Tứ Xuyên làm thư ký riêng khi Chu ngồi ghế bí thư tỉnh ủy, rồi đến đầu những năm 2000 lại theo Chu về làm tại Bộ công an. Cuối năm 2010, Ký được chuyển đến Hải Nam… Một nhân vật có số phận tương tự Ký Văn Lâm là Diêu Mộc Căn (bị hất khỏi ghế Phó chủ tịch tỉnh Giang Tây)… Danh sách viên chức gặp “họa” (liên quan Chu Vĩnh Khang) từ sau Đại hội đảng Trung Quốc lần thứ 18 vào tháng 11-2013 còn rất dài: Quý Kiến Nghiệp, Phó bí thư Nam Kinh; Liêu Thiểu Hoa, Ủy viên thường vụ Quý Châu; Trần Bách Hòe, phó chủ tịch Ủy ban chính pháp Hồ Bắc; Quách Hữu Minh, Phó chủ tịch tỉnh Hồ Bắc; Đồng Danh Khiêm, Phó chủ tịch Ủy ban chính pháp Hồ Nam; Nghê Phát Khoa, Phó chủ tịch tỉnh An Huy; Chu Trấn Hoành, Ủy viên thường vụ Quảng Đông… Riêng Chu Bân, đương sự đã bị “vịn” vào tháng 9-2013 sau khi trốn sang Singapore...
Sự kiện thời sự nổi bật đầu tiên liên quan “đại án Chu Vĩnh Khang” là vụ xử trùm xã hội đen Lưu Hán, vốn từng “làm ăn” với Chu Bân, diễn ra hạ tuần tháng 3 và đầu tháng 4-2014… Đây chắc chắn là sự kiện “đệm” chuẩn bị “cơ sở pháp lý” để đưa Chu Bân ra tòa. Thực tế thì chiến dịch chặt đứt vây cánh Chu Vĩnh Khang đã được thực hiện hơn một năm qua. WantChinaTimes (1-1-2014) cho biết, việc viên chức cấp cao tỉnh Tứ Xuyên Lý Sùng Hy bị đánh “rớt đài” (sau khi bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên Lý Xuân Thành bị hạ bệ) là có ít nhiều liên quan Chu Vĩnh Khang. Năm 2003, với tư cách Phó bí thư tỉnh ủy kiêm trưởng ban kỷ luật đảng ủy, Lý Sùng Hy nắm một dự án khai thác khoáng sản tại 10 địa điểm ở địa phương trị giá 535 triệu tệ (88,4 triệu USD). Kẻ được Lý Sùng Hy móc nối đứng sau dự án này là trùm giang hồ Lưu Hán...
Tại sao Chu Vĩnh Khang bị “đánh”?
Trên bề mặt và một cách chưa chính thức, cựu Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang bị (dư luận) ghép vào tội tham nhũng, lộng quyền và suy thoái đạo đức. Theo TheDailyBeast (12-12-2013), khi còn làm bí thư Tứ Xuyên từ năm 1999-2002, Chu Vĩnh Khang, dù có gia đình, đã bí mật quan hệ với phóng viên truyền hình Cổ Hiểu Diệp (nhỏ hơn 28 tuổi). Khi Cổ Hiểu Diệp mang thai, Chu hứa ly dị vợ để kết hôn chính thức với cô năm 2008. Tuy nhiên, không lâu sau đó, vợ của Chu chết một cách bí ẩn trong một tai nạn xe. Hai tài xế liên quan bị xử hơn 10 năm tù nhưng được thả chỉ ba năm sau. Sau đó, Chu thành hôn với Cổ Hiểu Diệp. Nghi bố đứng sau vụ giết mẹ mình, người con thứ hai của Chu (em của Chu Bân) nhất định cắt đứt mọi quan hệ. Cũng theo nguồn TheDailyBeast, Chu có thể cũng liên can đến loạt vụ giết đối thủ chính trị…
Thời Chu Vĩnh Khang ngồi ghế lãnh đạo Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC), Chu Bân đã bỏ túi hơn 10 tỉ tệ (1,6 tỉ USD) từ các dự án chỉ riêng ở Trùng Khánh. Dựa vào cái bóng của cha, Chu Bân tống tiền nhiều doanh nghiệp để ăn “phí bảo kê”. Trong một vụ, Chu Vĩnh Khang đã giúp con trai “giải cứu” một trùm giang hồ sau khi tay này giết một chủ bất động sản khi người từ chối “tái định cư” nhường chỗ cho một dự án. Nạn nhân bị trói vào gốc cây và bị dội dầu sôi vào đầu!
Với tư cách Ủy viên thường vụ Bộ chính trị phụ trách chính pháp, Chu Vĩnh Khang kiểm soát các bộ máy tư pháp, hành pháp và lập pháp với nhân sự lên đến 10 triệu người. “Vương quốc” của Chu, được xem là quyền lực thứ tư, sau Đảng, Chính phủ và quân đội, mạnh hơn cả lực lượng cảnh sát, các cơ quan công tố-điều tra, tòa án, an ninh nội chính…! Với ảnh hưởng bao trùm từ trung ương xuống địa phương của Chu, đặc biệt việc Chu ủng hộ Bạc Hy Lai “giật ghế” của Tập Cận Bình – như nhiều đồn thổi phổ biến, Tập quyết định ra tay. TheDailyBeast cho biết, Tập đưa vụ Chu ra bàn và “xin ý kiến” trước 6 ủy viên thường vụ Bộ chính trị vào trưa ngày 1-12-2013. Sau đó, một nhóm điều tra đặc biệt được cử đến nhà riêng đương sự, thông báo về quyết định của Bộ chính trị cũng như việc Chu lẫn vợ bắt đầu bị giam lỏng…
WantChinaTimes (31-3-2014) thuật thêm, vào hè 2013, Chu biết mình sẽ bị “chơi”, khi đương sự nhận cú điện “mật báo” cho biết ông không được mời đến dự cuộc họp giới lãnh đạo chóp bu của Đảng tổ chức hàng năm tại khu nghỉ mát Bắc Đới Hà (Hà Bắc). Như tất cả cựu ủy viên thường vụ Bộ chính trị, Chu cũng có một biệt thự tại Bắc Đới Hà, gần sát căn biệt thự của Hồ Cẩm Đào. Sau cú điện trên, Chu bắt đầu hoảng. Đương sự cầu cứu Giang Trạch Dân nhưng Giang không tiếp… Suốt từ đó đến nay, Chu Vĩnh Khang vẫn chưa chính thức bị ghép vào bất kỳ tội danh nào. Con hổ bị vây vẫn tiếp tục bị vờn. Trong cuộc họp báo với giới chức Bộ ngoại giao đầu tháng 3-2014 do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì được phát lên truyền hình, phóng viên được yêu cầu không được hỏi bất kỳ gì liên quan Chu Vĩnh Khang (Lý Khắc Cường chỉ nói chung chung về chiến dịch đánh tham nhũng, rằng “Bất luận ông ấy là ai, ở vị trí cao như thế nào, nếu phạm kỷ luật đảng, ông ấy phải bị trừng trị, bởi mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”).
Chu Bân
Wall Street Journal (31-3-2014) cho biết, trong cuộc phỏng vấn mới đây tại nhà riêng ở Nam California, mẹ vợ của Chu Bân – bà Mary Zhan Minli (Chiêm Mẫn Lợi) 71 tuổi – nói rằng gia đình họ chẳng làm gì sai và chỉ là nạn nhân của cuộc đấu đá quyền lực “vốn thường thấy trong lịch sử Trung Quốc”. Thập niên 1990, Chu Bân lập gia đình với Fiona Huang Wan (Hoàng Uyển) và sống tại khu biệt lập ở ngoại ô Bắc Kinh. Chu Bân đồng thời đứng tên sở hữu căn nhà mà mẹ vợ sống ở Laguna Woods (California). Vào khoảng thời điểm Chu Vĩnh Khang được bổ nhiệm lãnh đạo Tập đoàn dầu khí quốc gia giữa thập niên 1990, Chu Bân đến Dallas, học Đại học Texas; tốt nghiệp bằng quản trị kinh doanh và thạc sĩ quản trị hành chánh. Chu Bân gặp và cưới Hoàng Uyển trong thời gian này (bố Hoàng Uyển, ông Steve Huang Yusheng, tức Hoàng Du Sanh, đến Mỹ vào thập niên 1980). Cặp Chu Bân-Hoàng Uyển bắt đầu trở về Trung Quốc “lập nghiệp” không lâu trước khi xảy ra sự kiện khủng bố 11-9-2001. Khoảng hơn một năm sau, Chu Vĩnh Khang được bổ nhiệm lãnh đạo một cơ quan mới thành lập: Bộ tài nguyên đất đai rồi tiếp đó làm bí thư Tứ Xuyên và cuối cùng lên Bộ trưởng Bộ công an. Đó là lúc Chu Bân bắt đầu “phất”…
Tháng 4-2004, công ty Kỹ thuật năng lượng Mặt trời mọc được thành lập, với Chu Bân và các anh em vợ là cổ đông lớn nhất. “Mặt trời mọc” nhanh chóng kiểm soát các vụ thầu cung cấp hệ thống kỹ thuật cho các trạm xăng thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia khắp Trung Quốc. Năm 2011, một website thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc đã đưa “Mặt trời mọc” vào danh sách các nhà cung ứng lớn nhất của họ. Trong khi Chu Bân “khai thác” công nghiệp dầu, cô vợ Hoàng Uyển nhảy vào lĩnh vực sản xuất chương trình truyền hình. Vào buổi tối ngay sau khi xảy ra vụ động đất Tứ Xuyên vào tháng 5-2008, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc đã buộc phải dùng “giờ vàng” để chiếu ra mắt chương trình giải trí lớn nhất mà “bà” Hoàng Uyển sản xuất: “Câu chuyện cảnh sát”. Dân trong cuộc cho biết, chương trình truyền hình này được bấm máy dưới sự tài trợ của Bộ công an và được quay tại Trùng Khánh, nơi một cánh hẩu của Chu Vĩnh Khang – Bạc Hy Lai – đang ngồi ghế bí thư. Phần bà mẹ vợ Chiêm Mẫn Lợi, hồ sơ điều tra cho thấy bà có tên trong danh sách cổ đông của hơn 10 công ty…
(Xem phần tiếp theo tại >>> đây!)