Nếu trong vụ Dương Chí Dũng Vinashin năm 2012, khi Dũng sắp bị bắt, “một lãnh đạo Bộ Công an” đã ngầm báo tin cho Dũng để bỏ trốn, thì Vũ “Nhôm” có được ngầm báo trước để đào tẩu? Và nếu có thì là ai?
Đây là một dấu hỏi rất lớn và cũng có thể là rất nghiêm trọng đối với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Sau khi Vũ “Nhôm” biến mất, các cơ quan công an đã tìm cách đổ trách nhiệm cho nhau. Trước câu hỏi của báo chí về trách nhiệm quản lý của Công an TP.Đà Nẵng và “việc điều tra Vũ ‘nhôm’ tiến hành đã lâu, sao vẫn để ông Vũ biến mất?”, Phó giám đốc Công an TP.Đà Nẵng Trần Đình Liên giải thích chủ trì vụ án này là Bộ Công an, Công an Đà Nẵng chỉ là đơn vị phối hợp.
Ngay vào ngày 21/12/2017 khi Bộ Công an tổ chức khám nhà đại gia bất động sản Phan Văn Anh Vũ như thể bắt tới nơi, một trang báo nhà nước là VTC News đã đăng tải một bài điều tra về việc viên thượng tá tình báo công an này đã âm thầm thoái triệt vốn khỏi các công ty mà trước đó ông ta đã góp vốn, ngay từ tháng 4/2017 khi cuộc xung đột Đà Nẵng còn bất phân thắng bại như:
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 sửa đổi ngày 26/4/2017 cho thấy ông Phan Văn Anh Vũ đã rút toàn bộ 650 tỷ đồng, tương đương 92,86% vốn.
Tại Công ty TNHH Minh Hưng Phát (nay đổi tên thành Công ty TNHH Phú Gia Compound) – pháp nhân tặng cựu Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh xe Toyota Avalon để sử dụng, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi ngày 7/4/2017 thể hiện ông Phan Văn Anh Vũ đã rút toàn bộ 40 tỷ đồng, tương đương 80% vốn điều lệ của doanh nghiệp trên.
Với siêu dự án Vầng Trăng Khuyết (The Sunrise Bay), 2 pháp nhân liên quan đến ông Vũ ‘nhôm’ là Công ty CP Xây dựng 79 và Công ty CP Nova Bắc Nam 79 từ ngày 19/4/2017 – 28/6/2017 đã rút 100% vốn tại dự án trên.
Bản thân Công ty CP Nova Bắc Nam 79 hiện cũng không còn cổ phần của ông Phan Văn Anh Vũ và đổi tên thành Công ty CP Đầu tư và Phát triển Chấn Phong…
Trừ Dương Chí Dũng khá cập rập mà đã không thể thu vén toàn bộ tài sản tiền bạc, cả hai trường hợp Trịnh Xuân Thanh lẫn Vũ “Nhôm” đều có đủ thời gian để tẩu tán rất gọn.
Điều đó lý giải cho hiện tượng lạ lùng về tố tụng hình sự và cả chính trị là vào buổi tối 21/12/2017, khi nhiều tờ báo nhà nước sôi nổi và ồn ào đưa tin “Bộ công an khám nhà Vũ “Nhôm””, thì lại không có tin tức hay hình ảnh nào về việc đại gia Phan Văn Anh Vũ này đã chính thức bị khởi tố bắt giam. Toàn bộ hình ảnh “khám nhà” mà báo chí nhà nước đăng tải chỉ là bề mặt ngôi nhà của Vũ “Nhôm” mà không hề thấy cảnh đại gia này bị công an áp sát hay tra tay vào còng ở trong nhà
Nói cách khác, Bộ Công an đã bị “hố”.
Trong vụ Trịnh Xuân Thanh cũng vậy. Vào khoảng quý 3 năm 2016, Bộ Công an sùng sục khám xét nhà Trịnh Xuân Thanh, nhưng nhân vật đã “ra đi tìm đường cứu nước”.
Ai và thế lực nào đã báo tin và giúp cho Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn?
Đó vẫn là một nỗi đau không thể nói thành lời của Tổng bí thư Trọng.
Bởi vào giữa năm 2016, khi tung ra chiến dịch truy buộc Trịnh Xuân Thanh bằng vụ xe Lexus ở Hậu Giang cùng khoản lỗ hơn 3.200 tỷ đồng thời Thanh còn là tổng giám đốc ở Công ty PVC, lỗ hổng lớn nhất của Tổng Trọng là đã “quên” không đóng cửa biên giới đường bộ, đường thủy và đường không.
Hậu quả là không chỉ Trịnh Xuân Thanh biến mất chỉ vài tháng sau đó, mà vụ biến mất này chắc chắn đã được giúp sức bởi một thế lực đủ mạnh và đủ “biện pháp nghiệp vụ” để cho tới nay, bất chấp nhiều bức bối cùng chỉ trích của cán bộ và tướng lĩnh lão thành, vẫn chẳng có một manh mối nào về việc ai và thế lực nào đã bảo kê cho Trịnh Xuân Thanh đào tẩu khỏi Việt Nam ngay trước mũi tổng bí thư.
Sau đó, Trịnh Xuân Thanh đã bị truy tố vắng mặt tội “tham ô” ở Công ty PVC.
Nhưng với trường hợp Thượng tá công an Phan Văn Anh Vũ, trong khi báo chí nhà nước ồn ào đưa tin về rất nhiều dự án mà Phan Văn Anh Vũ đã trục lợi chính sách để có được và làm giàu bất chính, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an lại tung ra lệnh truy nã của đối với Phan Văn Anh Vũ và khởi tố Vũ do có hành vi “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước”.
Tài liệu bí mật gì?
Vào tháng Tư năm 2017, trên mạng xã hội đã bất thần xuất hiện những tài liệu từ một nguồn ẩn danh cho thấy Phan Văn Anh Vũ chính là sĩ quan tình báo của Bộ Công an, hàm cấp tá, bí số AV75, còn Nova 79 nơi Phan Văn Anh Vũ là Chủ tịch hội đồng quản trị lại là “công ty bình phong” của Tổng cục Tình báo Bộ Công an.
Trong tay Phan Văn Anh Vũ rất có thể đã nắm được nhiều tài liệu nội bộ thuộc độ “Mật”, thậm chí “Tuyệt Mật” về những vấn đề nghiệp vụ của ngành công an.
Nhưng tài liệu mà khiến nhiều quan chức đang mất ngủ có thể là những tài liệu mang tính bằng chứng về mối quan hệ ngầm trong giới quan chức lãnh đạo, những phi vụ “xămxônai” (cách gọi loại vali chứa đầy đô la) mà các quan chức “lại quả” cho nhau, hoặc những hình ảnh sống động về giới quan chức đã thác loạn với gái trên giường…
Theo Việt Nam Thời Báo