VNN - Vụ nổ súng khiến 19 người thương vong tại huyện Tuy Đức (Đắk Nông) vào ngày 23/10 là hệ lụy tất yếu do việc tranh chấp đất căng thẳng, dai dẳng giữa người dân với các công ty nhưng không được giải quyết dứt điểm.
Mang khiên, rựa đi cưỡng chế
UBND tỉnh Đắk Nông đã có thông cáo báo chí về vụ việc bắn nhau xảy ra tại địa bàn xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức và đưa ra con số thương vong cuối cùng là 19 người.
Theo thông cáo, vào khoảng 6 giờ 30 ngày 23/10, trong quá trình san ủi mặt bằng đất của Công ty TNHH Thương mại Long Sơn (Công ty Long Sơn) đã có mâu thuẫn, xô xát giữa công nhân và bảo vệ của công ty với một nhóm người dân.
Một số người trong nhóm người dân đã dùng súng tự chế (bắn đạn hoa cải) và súng thể thao bắn vào số công nhân và bảo vệ của Công ty Long Sơn làm ba người thiệt mạng, 16 người bị thương.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Đắk Nông, đây là sự việc đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh, lãnh đạo Bộ Công an cũng đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo điều tra. Công an tỉnh khẩn trương triển khai lực lượng truy bắt thủ phạm...
UBND tỉnh cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vụ việc trên.
Tuy nhiên, theo điều tra của PV, việc giải tỏa, cưỡng chế đất của Công ty Long Sơn có dấu hiệu bất thường, vi phạm pháp luật.
Theo đó, vào khoảng 5giờ 30 sáng ngày 23/10, Công ty Long Sơn cho lực lượng cùng máy móc tiến hành sản ủi, giải tỏa một số diện tích đất tại tiểu khu 1535 mà công ty này cho rằng bị người dân lấn chiếm để sản xuất, dựng nhà. Việc tiến hành cưỡng chế, giải tỏa Công ty Long Sơn không báo cáo cho cơ quan chức năng của địa phương biết. Dường như đã lường trước được việc giải tỏa sẽ có sự chống trả nên ngoài máy móc, lực lượng công nhân Công ty Long Sơn còn mang theo khiên, rựa…
Phía Công ty Long Sơn chia làm 2 tốp tiến vào khu vực đất, nhà của các ông Hoàng Văn Thắng và Đặng Văn Hiến tiến hành san ủi đất, cây trồng. Tại đây đã xảy ra xô xát đánh nhau. Người dân huy động đông người vây nhóm công nhân công ty. Một số đối tượng trong nhóm người dân dùng súng hoa cải bắn về nhóm công nhân. Hậu quả 3 người chết tại chỗ, 16 người bị thương.
Theo lời bà kể của bà Mai Thị Khuyên (vợ ông Hiến), ông bà sinh sống tại khu vực này từ năm 2006. Vào năm 2008, khi công ty được giao đất tại đây, giữa gia đình bà và công ty liên tục xảy ra xung đột đánh nhau. Sáng ngày xảy ra việc bắn nhau, vợ chồng bà thức dậy đã thấy rất đông người của công ty Long Sơn bảo vây quanh nhà. Quá sợ hãi, bà vội ôm con chạy trốn vào rừng. Đến khi trở về nhà thì đã thấy xảy ra án mạng.
Sau vụ nổ súng, cơ quan chức năng thu giữ tại nhà ông Đặng Văn Hiến 10 khẩu súng tự chế. Ngoài ra, thu thập tại hiện trường hàng chục khiên, rựa… của công nhân Công ty Long Sơn mang theo.
Mượn tay “giang hồ” giành đất!
Theo tìm hiểu, năm 2008, Công ty Long Sơn được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê 1.079 ha đất triển khai dự án trồng cao su, điều, trồng rừng và quản lý bảo vệ rừng.
Trong đó, diện tích rừng được giao quản lý bảo vệ là 507,7 ha. Tuy nhiên, diện tích này đã bị phá lên tới 501,7 ha. Trong đó, rừng bị phá trước thời điểm bàn giao là 321,6 ha, phá sau thời điểm bàn giao 180,1 ha. Ngoài ra, công ty để người dân lấn chiếm đến 979 ha đất trong khu vực dự án.
Việc quản lý lỏng lẽo này đã dẫn việc tranh chấp đất dai dẳng, đánh nhau thường xuyên giữa công nhân công ty với người dân.
Yếu thế, Công ty Long Sơn đã tuyển dụng nhiều lao động vào làm công nhân bảo vệ, đi giải tỏa đất. Nhiều lao động chưa đến tuổi thành niên được sử dụng. Trong vụ việc nổ súng khiến 19 người thương vong, nhiều nạn nhân là công nhân công ty tuổi đời chỉ mới 16, 17. Trong đó, có trường hợp nạn nhân Điểu Vinh (trú tỉnh Bình Phước) bị tử vong mới 16 tuổi.
Trả lời phỏng vấn VietNamNet, một lãnh đạo huyện Tuy Đức xác nhận, từ khi dự án của Công ty Long Sơn triển khai, thường xuyên xảy ra tranh chấp, đánh nhau với người dân rất phức tạp, trong đó có yếu tố giang hồ.
Điều này được thể hiện rõ, vào tháng 3/2015, Cơ quan CSĐT công an huyện Tuy Đức đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can bắt giam 6 nhân viên bảo vệ của Công ty Long Sơn gồm: Trần Văn Bốn, Trần Thanh Phong, Nguyễn Khắc Duy, Trương Thanh Duẫn, Võ Văn Luân và một người tên Phúc để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.
Trong vụ án này, nhóm 6 nhân viên bảo vệ công ty Long Sơn đã được Đào Công Bắc (trú tỉnh Bình Phước – mới ra tù) tù thuê đi đòi đất rẫy trồng điều của hộ ông Trần Văn Hanh và hứa sẽ trả thù lao thỏa đáng. Nhóm 6 nhân viên này sau đó đã mang dao, rựa xông vào nhà ông Hanh đánh chém, khiến ông Trần Văn Thanh (anh trai ông Hanh) bị chấn thương sọ não trong tình trạng nguy kịch, thương tích tới 90%. Còn ông Hanh cùng ba người trong gia đình là vợ, em trai, anh trai bị đánh gãy chân, tay, đa chấn thương phần mềm…
Vụ việc đến nay vẫn chưa được giải quyết thấy đáo dẫn đến khiếu kiện kéo dài.
Mới đây, vào tháng 3/2016, tại tiểu khu 1535, hàng chục người dân tiếp tục mang gây gộc đánh nhau với Công ty Long Sơn. Hậu quả, một lãnh đạo của công ty này bị đánh trọng thương.
Trước những diễn biến phức tạp, tháng 7/2016, Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Nông để kiểm tra và thống nhất các chủ trương, giải pháp ổn định dân cư trên địa bàn xã Đắk Ngo, Quảng Trực (Tuy Đức).
Trong chuyến làm việc này, ông Trương Hòa Bình yêu cầu sớm ổn định các cụm dân cư trên địa bàn xã Đắk Ngo, Quảng Trực trên cơ sở khảo sát, điều tra, tiến hành định cư, định canh tại chỗ, không lập và đầu tư dự án mới. Yêu cầu cao nhất là ổn định đời sống cho bà con.