Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

Đồng Nai: Phá án nguyên cán bộ công an tham ô 1.470 lượng vàng

Theo Xa lộ pháp luật

Bản án xét xử vụ án nguyên Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai tham nhũng hàng trăm kg vàng đầu tháng 11/1984 đã kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục điều tra làm rõ khoản vàng 30 lượng liên quan hiện đã được giao nộp cho ngân hàng hay chưa. Điều bất ngờ là khi điều tra mở rộng vụ án, không phải 30 lượng vàng mà hàng trăm lượng vàng đã được truy thu cho ngân sách Nhà nước.

Tìm 30 lượng, được “khuyến mãi” 770 lượng vàng

Sau một thời gian tiếp tục điều tra vụ án liên quan cựu giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, Cơ quan điều tra đã tiến hành khởi tố 19 bị can, trong đó có: Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Trưởng phòng bảo vệ chính trị Công an Đồng Nai; Phạm Tấn Hưng, Mai Khắc Thanh, nguyên Phó Phòng Bảo vệ chính trị Công an Đồng Nai. Nội dung vụ án được tóm lược như sau:

Trong thời gian từ năm 1978 - 1979, các cán bộ công an thoái hóa, biến chất đã làm hồ sơ giả, thu tiền vàng của nhiều người, cố ý làm trái những quy định của cấp trên, gây tổn thất hàng ngàn lượng vàng của Nhà nước.

Trong đó đáng chú ý Nguyễn Văn Hiệp đã nhận hối lộ và tham ô 1.470 lượng vàng. Cơ quan điều tra đã khám nhà và thu của Hiệp 1.114,4 lượng vàng.

Phạm Tấn Hưng đã tham ô, hối lộ và lừa đảo 704 lượng vàng. Cơ quan điều tra đã khám nhà của Hưng thu 170 lượng vàng và nhiều tài sản khác. Bị cáo Hưng lãnh án 20 năm tù về các tội: Tham ô, lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN, nhận hối lộ và tổ chức người trốn ra nước ngoài; Nguyễn Văn Hiệp lãnh 18 năm tù về hai tội: Nhận hối lộ và che giấu tội phạm.

Sau khi xét xử sơ thẩm, nhân dân rất vui mừng với việc những phần tử thoái hóa, biến chất trong ngành công an đã chịu phán xét nghiêm minh của tòa án. Tuy nhiên, cơ quan điều tra lại tiếp tục nhận đơn thư của người dân tố giác ngoài số vàng đã khai nhận trước tòa, Hiệp còn chôn giấu số lượng lớn vàng khác.

Trước dư luận này, Cơ quan điều tra đã trực tiếp xét hỏi bị cáo Hiệp. Một ngày đầu năm 1989, bị can Hiệp khai báo thêm với Cơ quan điều tra số vàng cực lớn đối tượng đã chiếm đoạt trong thời kỳ làm Trưởng Phòng Bảo vệ chính trị.

Lộ diện Phó Tổng cục trưởng nghi vấn che giấu tội phạm

Phạm nhân Hiệp khai nhận, hiện đối tượng còn cất giữ 1.300 lượng vàng dưới đáy hồ nước trên lầu của căn nhà số 41/26 Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Ông Biểu nhớ lại, tối một ngày đầu năm 1989, ngay sau dịp nghỉ tết Nguyên đán, ông cùng anh em cán bộ điều tra của chuyên án N2 đã vào trại giam dẫn Hiệp về căn nhà đối tượng khai giấu vàng. Đến căn nhà, gọi mãi nhưng cửa vẫn đóng im ỉm.

“Một cán bộ công an Đồng Nai quyết định nhờ công an phường dỡ ngói chui vào nhà, mới hay nhà không có ai ở. Hiệp dẫn mọi người lên lầu, chỉ nơi giấu vàng ở đáy hồ nước. Đây là căn nhà Hiệp mua từ hồi còn đương chức, đồ đạc, tiện nghi trong nhà hết sức xa hoa”, ông Biểu thuật lại.

“Trục vớt” được số vàng dưới đáy hồ bơi, cán bộ cho Hiệp về trại giam. Cơ quan điều tra tiếp tục tiến hành khám xét căn nhà, kết quả khám xét, ngoài 800 lượng vàng dưới đáy hồ nước, còn thu giữ 17 hạt xoàn lớn, 162 hạt xoàn tấm, 27 hạt xoàn nhân tạo giấu trong chân bàn, chân ghế và nhiều đồ nữ trang khác.

Do có tình tiết mới, làm tăng mức độ tội phạm của Hiệp, xét thấy mức án 18 năm tù với Hiệp là chưa thỏa đáng, Viện trưởng Viện KSNDTC đã có quyết định kháng nghị tái thẩm một phần bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm.

Tòa án nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị, giao hồ sơ để giải quyết lại vụ án từ giai đoạn điều tra. Điều tra viên Dương Thanh Biểu tham gia rất nhiều buổi hỏi cung các phạm nhân, nhờ đó ông phát hiện ra đường dây chạy án giúp một cán bộ công an thoát tội trong vụ án nguyên Giám đốc Công an Đồng Nai tham nhũng trước đây.

Ông hồi tưởng, câu chuyện điều tra 30 lượng vàng thất thoát giờ đây lại phanh phui ra được hàng loạt vấn đề liên quan, giống như câu thành ngữ “bắt cua, được ếch”.

Người dính líu đến đường dây chạy án là ông Nguyễn Phước Tân, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh (Bộ Nội vụ, nay là Bộ Công an), thường được cấp dưới gọi là “anh Hai Tân”.

Bản tự khai ngày 9/3/1990, bị can Phạm Tấn Hưng viết: “Anh Hai bảo: Thằng  Mười Vân (tức Nguyễn Hữu Giộc, nguyên Giám đốc Công an Đồng Nai  – PV) bây giờ ai khai cho nó, nó cũng không nhận, mày khai  cho nó, nó không nhận, người ta cũng tin. Mày nghe lời tao, khai cho Mười Vân đi, thì tao ráng xin cho mày miễn truy tố trong vụ án này…”.

Nguyễn Phước Tân đã mấy lần nói Hưng viết lại lời khai cho hợp lý. Thậm chí, đến lần thứ ba thì chính Tân đã lấy bút thêm, bớt, sửa bản tự khai này nhằm chạy tội cho cấp dưới. Sau khi xét xử vụ án nguyên Giám đốc Công an Đồng Nai tham nhũng, với kinh nghiệm nghề nghiệp, Tân dự đoán việc làm mờ ám của Hưng rất dễ bị bại lộ, nên đã nhiều lần khuyên Hưng đưa vợ con về miền Tây sống để khỏi bị phát hiện.

Trên cơ sở lời khai của Hưng, Cơ quan điều tra triệu tập đối tượng Tân để làm rõ. Xác minh thấy có căn cứ khẳng định Tân có hành vi che giấu tội phạm, giữa tháng 6/1990, Cơ quan điều tra đã quyết định khởi tố Nguyễn Phước Tân về hành vi che giấu tội phạm.

Những bí mật mãi mãi bị mang xuống mồ

Vụ án đang tiến triển đúng hướng thì xảy ra một việc bất ngờ: Bị cáo Hiệp tự sát trong trại tạm giam. Trước đó, Hiệp rất ngoan cố, khai báo nhỏ giọt, chỉ khi nào Cơ quan điều tra có đủ chứng cứ, tài liệu đấu tranh thì đối tượng mới nói ra sự thật.

Hiệp thừa nhận tội cũ là tham ô và nhận hối lộ 2.000 lượng vàng, bao che cho cấp phó tham ô 30 lượng vàng, sau đó Cơ quan điều tra lại thu thêm được trên 800 lượng vàng do Hiệp cất giữ. Đồng thời lúc này, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh cũng bị khởi tố. Thấy đồng bọn trong đường dây của mình đều lần lượt bị lộ diện, tâm trạng Hiệp càng lúc càng hốt hoảng, bi quan.

Điều tra viên Dương Thanh Biểu nhớ rất rõ về đối tượng Hiệp: “Ngày 8/8/1990, chúng tôi vào gặp bị cáo Hiệp, động viên khai báo thành khẩn về hành vi phạm tội của mình để được hưởng khoan hồng. Nét mặt Hiệp lộ rõ sự hốt hoảng, xin suy nghĩ vài ngày rồi khai báo tiếp.

Từ đó trở đi, Hiệp ăn ít lại hoặc có lúc không ăn, không ngủ, để cho cơ thể ngày càng suy nhược. Phạm nhân luôn kêu đau đầu. Cơ quan điều tra đã dừng làm việc để hy vọng bị cáo phục hồi sức khỏe. Tôi nhớ, trước đây bị cáo Hiệp từng viết thư tuyệt mệnh chuẩn bị tự sát, nhưng nhờ anh em công an phát hiện nên ngăn chặn được”.

19h ngày 13/8/1990, quản giáo đến kiểm tra buồng giam thấy phạm nhân Hiệp vẫn nằm ngủ trong mùng. Kiểm tra lúc 22h vẫn thấy bị cáo Hiệp đang ngủ. Khoảng 30 phút sau, quản giáo kiểm tra thấy Hiệp đã thức dậy, hỏi vì sao thì bị cáo nói: “Buồn quá không ngủ được”.

5h40 hôm sau, mở cửa buồng giam, quản giáo phát hiện Hiệp đã treo cổ chết. Cơ quan điều tra thành lập Hội đồng khám nghiệm, giám định cái chết của Hiệp theo đúng quy định của pháp luật.

Bị can chính trong vụ án đã tự sát tại trại giam. Vì chỉ có lời khai của Hưng đối với Nguyễn Phước Tân, trong lúc nghi phạm này không thừa nhận lời khai của Hưng, do vậy chưa có cơ sở kết luận Nguyễn Phước Tân phạm tội che giấu tội phạm. Giữa tháng 9/1990, Cơ quan điều tra đã có báo cáo kết thúc điều tra vụ án N2, đình chỉ điều tra đối với Nguyễn Văn Hiệp, Nguyễn Phước Tân.

Nói về vụ án, TS. Biểu nói: “Vụ án đã để lại trong tôi những cảm xúc trái chiều; vui mừng vì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình nhưng cũng xót xa trước sự sa ngã của những người từng là đồng chí sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm.

Là một người lính, tôi cảm thấy càng đau lòng vì những người như Hai Tân, họ là cán bộ cách mạng từ thời chống Pháp, chống Mỹ, thế mà hòa bình, không ít người bị gục ngã trước những “viên đạn bọc đường”. Đúng ra, họ bị tiền của và những dục vọng thấp hèn làm cho lóa mắt. Lòng tham nổi lên thành lớp lớp sóng triều nhấn chìm họ xuống hố đen sa đọa lúc nào không hay. Chính những người vốn được gọi là “đệ tử ruột” của họ như Phạm Tấn Hưng, lại "thọc dao" vào sườn ân nhân cũng là cấp trên của mình”.