Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

Vụ phá rừng pơmu Quảng Nam: Bắt ông trùm tại sân bay

Hồng Sơn

Đất Việt - Đại tá Nguyễn Viết Lợi - Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam nói nếu cán bộ Hải quan dính vào, xác định có tài liệu là chúng tôi bắt luôn.

Chiều ngày 25/8, Công an tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo thông tin kết quả điều tra ban đầu vụ án “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” trong vụ phá rừng pơ mu xảy ra tại khu vực biên giới huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam). Đây là vụ án thu hút sự quan tâm của dư luận.

Cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về vụ án.

Đại tá Huỳnh Sông Thu, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT cho biết, qua nguồn tin tố giác của quần chúng nhân dân, Công an huyện Nam Giang phối hợp với lực lượng Kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung, tiến hành kiểm tra tại khu vực biên giới Việt-Lào, gần Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Nam Giang và phát hiện thu giữ 297 phách gỗ pơ mu có khối lượng trên 31m3.

Do tính chất phức tạp của việc trong khu vực biên giới nên vào ngày 14/7, Hạt kiểm lâm Nam Sông Bung ra quyết định khởi tố vụ án và chuyển cho CQĐT Công an huyện Nam Giang điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục mở rộng phạm vi điều tra Công an huyện Nam Giang phát hiện thu giữ tổng số 611 phách, 8 lóng gỗ tròn có khối lượng trên 47m3.

Xác định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra tại khu vực biên giới giáp ranh giữa tỉnh Quảng Nam (Việt Nam) và Sê Kông (Lào). Đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật có tổ chức chặt chẽ, có sự cấu kết, móc nối, liên quan đến nhiều đôi tượng ở trong và ngoài tỉnh. Vì vậy, ngày 25/7, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam đã ký quyết định rút vụ án lên CQĐT của Công an tỉnh Quảng Nam điều tra theo thẩm quyền.

Qua quá trình khám nghiệm hiện trường, CQĐT Công an tỉnh Quảng Nam xác định có 60 cây gỗ pơ mu bị chặt hạ với khối lượng 115,412 m3 gỗ nhóm IIA, trong đó có 41 gốc cây gỗ pơ mu bị chặt phá lấy gỗ xảy ra tại khoảnh 5, 8 Tiểu khu 351 thuộc rừng phòng hộ với khối lượng là 75,602m3, còn lại 19 gốc thuộc lãnh thổ Lào.

Ngày 26/7, CQĐT bắt đối tượng Nguyễn Văn Thắng tại xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) là nhóm trưởng trực tiếp chặt hạ gỗ tại xã La Dêê. Ngày 28/7, CQĐT bắt đối tượng Nguyễn Văn Sanh tại huyện Bố Trạch (Quảng Bình) là nhóm trưởng trực tiếp vận chuyển gỗ. Ngày 2/8, CQĐT bắt đối tượng Lê Trọng Dương tại huyện Định Quán (Đồng Nai) là nhóm phó chặt hạ gỗ. Đối tượng Dương bỏ trốn từ Quảng Bình vào Đồng Nai.

Đá tá Huỳnh Sông Thu cho biết, ngày 4/8, CQĐT bắt đối tượng Nguyễn Văn Quang tại bến phà An Phú Đông, quận 12 (TPHCM) là người tổ chức thuê nhóm khai thác và nhóm vận chuyển gỗ. Sau khi bị phát hiện bỏ trốn sang Lào, khi từ Lào về lại Việt Nam và trốn vào TP.HCM thì bị bắt giữ. Ngày 19/8, CQĐT bắt đối tượng Tiêu Hồng Tư tại sân bay quốc tế Đà Nẵng. Đây là đối tượng đã cung cấp tiền để Nguyễn Văn Quang tổ chức khai thác, vận chuyển gỗ.

CQĐT đã làm rõ đường dây, tổ chức khai thác gỗ trái phép và đã khởi tố vụ án, ra quyết định tạm giam các bị can để điều tra. Ngoài ra, các đối tượng như: Mai Văn Cường, Mai Văn Châu, Phạm Văn Bồng, Lê Hồng Diêu trong nhóm khai thác gỗ trái phép đã ra đầu thú và khai báo thành khẩn về hành vi phạm tội đã khởi tố bị can, ra quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú và hiện đang cho tại ngoại.

Đại tá Nguyễn Viết Lợi cho biết tính đến thời điểm này CQĐT đã ra quyết định khởi tố 9 bị can. Riêng nhóm vận chuyển đã bắt giữ một đối tượng, còn 11 đối tượng đang bỏ trốn. CQĐT đang tiếp tục truy bắt.

Trả lời về việc bốn cán bộ Biên phòng và Hải quan bị đình chỉ công tác thì Đại tá Nguyễn Viết Lợi cho rằng, đây là việc đình chỉ do thực thi nhiệm vụ. Đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng nên Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cho Bộ Công an và Bộ Quốc phòng cùng phối hợp điều tra vụ việc.

“Thời gian vừa qua CQĐT Biên phòng đã vào cuộc điều tra nhưng kết quả điều tra thế nào thì tôi không biết. Đây mới chỉ là kết quả ban đầu. Vụ việc có tổ chức nên trách nhiệm của CQĐT phải làm rõ về trách nhiệm quản lý Nhà nước có liên quan hay không, đến thời điểm nay không có chứng cứ chứng minh là các cơ quan chức năng được giao quản lý địa bàn tại khu vực xảy ra vụ phá rừng pơ mu là có liên quan đến vụ việc hay không”, Đại tá Lợi nói.

Đại tá Lợi cho rằng mục tiêu của CQĐT là phải làm rõ trách nhiệm về quản lý Nhà nước là có vi phạm pháp luật hình sự hay không thì CQĐT phải điều tra làm rõ.

“Không có chuyện lực lượng Biên phòng tại cửa khẩu ngăn cản CQĐT mà ở đây việc phối hợp của lực lượng Biên phòng với CQĐT không tốt về một điểm nghi chứa gỗ trên đất Lào.

Vì CQĐT không được quyền qua điểm nghi vấn để kiểm tra vì muốn qua phải có sự hỗ trợ của Biên phòng dẫn qua. Nếu việc này được cán bộ Biên phòng làm tốt, làm nhanh là thuận lợi cho CQĐT nhưng qua sáng hôm sau thì Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh mới nhận được báo cáo từ cấp dưới. Vì vậy nói việc này ngăn cản là không đúng, đây là sự phối hợp chưa tốt. Hoàn toàn không có chuyện Biên phòng ngăn cản CQĐT”, Đại tá Lợi khẳng định.

Khi phóng viên đề cập đến trách nhiệm của Biên phòng và Hải quan, Đại lợi Lợi nói rằng việc này ông nói không đúng và không có quyền nói và phải chờ đến cuộc họp báo cuối tháng của UBND tỉnh.

Đề cập đến khối lượng gỗ pơ mu chứa chấp trong khuôn viên Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang có phải là gỗ pơ mu bị chặt phá tại khu vực biên giới không?, Đại tá Lợi cho biết việc này đang được CQĐT trưng cầu giám định khối lượng và đang chờ kết luận của cơ quan giám định có phải gỗ bị chặt phá tại Tiểu khu 351 không.

Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi thẳng với Đại tá Nguyễn Việt Lợi là ông có thể khẳng định rằng có hay không việc tiếp tay của cơ quan Biên phòng, Hải quan và chính quyền địa phương trong vụ việc này?, Đại tá Lợi nói: “Đến thời điểm nay thì trong tay tôi chưa có chứng cứ để nói có hay không có. Trong vụ án này thì CQĐT tỉnh Quảng Nam là cơ quan toàn quyền điều tra vụ án này”.

Đại tá Lợi nhấn mạnh, nếu có liên quan đến cán bộ Biên phòng thì do CQĐT quân đội thụ lý điều tra, không có chuyện lực lượng điều tra này điều tra kết quả này và lực lượng điều tra kia điều tra ra kết quả kia. Vì còn có nhiều cơ quan giám sát kết quả điều tra nữa. Tất cả các CQĐT phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Pháp luật không có chuyện ngoại lệ về điều tra đối tượng này và mà không điều tra đối tượng khác.

Đại tá Nguyễn Viết Lợi cũng trả lời câu hỏi của phóng viên là điều tra chậm mà chắc. Yên tâm nếu cán bộ Hải quan dính vào đây là chúng tôi có tài liệu là bắt luôn. Phía Lào không khởi tố vụ án.

Tại buổi họp báo, các phóng viên được biết, có cán bộ điều tra của CQĐT Biên phòng cùng tham dự nhưng các câu hỏi đặt ra đối với trách nhiệm của cán bộ Biên phòng có liên quan đến vụ phá rừng pơ mu hay không thì không được trả lời.

Liên quan đến vụ án phá rừng pơ mu, trước đó Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã ra quyết định đình chỉ công tác đối với: Thượng tá Nguyễn Tấn Lạc (Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang), Thiếu tá Đỗ Hoành Minh (Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang), Đại úy Lê Xuân Chính, Đồn phó kiêm Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Đắc Ốc, huyện Nam Giang.

Cùng liên quan, Tổng cục Hải quan cũng ra quyết định đình chỉ công tác đối với ông Lê Trung Thịnh – Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang.