LĐO - Chữ thư pháp - dù là chữ Hán, Nôm, hay Quốc ngữ - nếu được viết ra bởi bàn tay tài hoa của dòng dõi nho gia thì muôn đời thấm đượm những triết lý sống thanh tao, cao đẹp. Nhưng nếu vẫn những chữ ấy, lại được thảo bởi một người có quá nửa đời giông tố, ngụp lặn ở mặt trái của xã hội thì lại thêm phần sức sống vươn lên mãnh liệt, gào thét quẫy đạp trên từng trang giấy. Đó là lí do tôi lặn lội về Yên Tử, tìm gặp bằng được gã giang hồ khét tiếng một thời…
Về Yên Tử, tìm thư quán họ Đàm
Đàm Quang Ngọc - hay Ngọc “sát thủ” - giờ đã 10 phần khác biệt so với những gì tôi được biết đến hoặc nghe kể về anh ta trước đây. Chỉ duy có một thứ không thể khác, đó là đôi bàn tay chằng chịt sẹo, ngón giữa bên phải bị khuyết mất 2 đốt, chứng tích khó thể phai mờ bởi những trận bể dâu tranh đoạt thủa còn “chọc trời, khuấy nước”.
Thư quán đơn sơ của anh nằm chênh vênh bên sườn núi, thoải theo bậc đá rêu mốc dẫn đến chùa Giải Oan, lẫn giữa dãy kiốt dài đầy màu sắc bán đủ thứ tạp hóa phục vụ thập khách đến chơi hội xuân Yên Tử (Quảng Ninh). Lúc chúng tôi đến, anh Ngọc đang tỉ mẩn làm công việc viết lách quen thuộc của mình. Xung quanh anh, nhiều đôi mắt ngẩn ngơ ngắm nhìn, nam phụ lão ấu đủ cả.
Tiết trời chớm xuân nơi núi rừng tê tái lạnh, nhưng vầng trán của Ngọc “sát thủ” vẫn khẽ rịn mồ hôi khi anh chậm rãi thảo lên tờ giấy lụa màu vàng chữ Chí bằng tiếng Nôm, dành cho một du khách trẻ là nam sinh viên năm 2 của học viện Ngoại giao. Bên dưới, anh đề thêm đôi câu đối bằng chữ Quốc ngữ viết theo lối thư pháp: “Bản lĩnh tài năng nên sự nghiệp/Nhân hòa đức độ tạo thành công”.
Trước ánh mắt thích thú của những người xung quanh, người đàn ông trong trang phục thầy đồ đỏ bắt đầu thuyết giảng về lí do anh đề tặng chữ đó:
“Chữ Chí được ghép bởi 2 chữ: Sĩ trên, Tâm dưới, tức là tâm của kẻ sĩ. Hễ người học hành, theo đuổi nghiệp bút sách, ắt càng phải có chí hướng. Người xưa có câu “Hữ chí giả, cảnh thành”, nghĩa là người đã có chí thời việc chắc phải nên. Chính đức Khổng Tử lúc dạy học trò, cũng thường lưu tâm về chữ Chí. Tử viết: “Tam quân khả đoạt súy giả, thất phu bất khả đoạt chí giả”, có nghĩa là đem ba quân giữ một tướng, có khi giặc còn cướp mất tướng; Chứ đến như đứa thất phu, tuy chỉ một mình nhưng chí vững thì dầu muôn người cũng không thể nào cướp được chí của nó. Khi tâm đã sáng, chí đã cao, chẳng lo gì không lên đại sự. Chỉ có điều đáng sợ là khi chí hướng mình sai lầm mà thôi...”.
Rồi lại một nữ giới tuổi trung niên được họ Đàm thảo tặng chữ An, cùng lời giải thích: Chữ An bao gồm bộ Miên là mái nhà và bộ Nữ là phụ nữ, ý nói người con gái ở trong gia đình thì rất an toàn, hoặc một ngôi nhà có bàn tay quán xuyến của phụ nữ thì luôn an toàn, bình an… Tiếp theo lại có người được tặng chữ Nhẫn, gồm chữ Đao (con dao) ở trên chữ Tâm. Được lí giải là trạng thái nhẫn cũng giống như bị dao đâm vào tim, tuy đau đớn nhưng vẫn phải chịu đựng, không được hành xử hấp tấp vì sẽ làm cho mũi dao lún sâu hơn. Phải thật bình tĩnh xử lí ắt mọi việc tốt đẹp sẽ tới…
Đám đông trầm trồ tán thưởng những lời nói như phun châu nhả ngọc của thư gia họ Đàm, rồi hết người này đến người khác, mỗi người đều nán lại chờ đợi để cố xin chữ về treo trong nhà. Có người xin chữ phổ thông có ý nghĩa, nhưng cũng có những người xin chữ là chính tên mình, rồi nhờ nghệ nhân này luận ra lời hay ý đẹp.
Tôi ngẩn ngơ nghe Ngọc “sát thủ” thuyết giảng về thư pháp mà say sưa như lạc vào một thế giới khác đầy mê hoặc của những tứ từ thanh tao, của những cao nhân cả đời thanh bạch… Càng không thể tin nổi người đang nói lại chính là người từ nhiều năm trước, đã nuôi chí lớn làm… đại ca giang hồ.
Những ngày xưa tháng cũ
Ngọc “sát thủ” tên thật là Đàm Quang Ngọc, sinh năm 1978, quê ở phường Tân An, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Mặc dù dòng dõi nho gia, từ nhỏ đã được nghe giảng Tam tự kinh, đọc thơ Kiều, bói Lục nhưng cuộc đời anh bỗng rẽ nhánh khi gói ghém đời trai vào những viễn mộng ghềnh thác.
Học hết cấp ba, thi đại học không đỗ, anh xếp lại bút nghiên, bỏ mặc ngoài tai những lời khuyên nhủ, tìm cách vượt biên sang Hồng Kông. Cuộc sống nơi đất khách đầy những cạm bẫy lọc lừa đã dẫn bước chàng trai trẻ vào con đường giang hồ tứ chiếng.
Với bản tính lì lợm cùng phương pháp dụng người hợp lí, gã trai Quảng Ninh “nảy số” nhanh chóng trong khu ngoại ô người Việt, đâm chém bất cứ ai không ưng và bảo kê hầu hết các mối hàng ra vào chợ. Cứ trượt dài trong vung lầy tội lỗi, chàng thư sinh xuất thân khoa bảng bị gọi thành Ngọc “sát thủ” lúc nào không hay. Thủa hưng thịnh, cái tên Ngọc “sát thủ” xuất hiện ở đâu đám côn đồ dù Hoa hay Việt cũng đều tìm đường lảng gấp. Chẳng thế mà nhiều cuộc tranh bá đoạt vương, cốt giành địa bàn của Ngọc không chiến tự nhiên thành…
Cuộc sống của một kẻ ngoài vòng pháp luật rốt cục lại cũng chẳng sung sướng gì. Những tháng ngày chui nhủi mệt phờ rồi cũng khiến chàng trai trẻ thèm khát một bữa cơm gia đình. Giữa năm 2004, nghe tin bố mẹ đau bệnh, ốm yếu, anh mới nhận ra những tình cảm lớn lao trong cuộc sống. Rũ bỏ tất cả, anh tìm đường trở về nhà…
Ngày về cố hương với Ngọc “sát thủ” chẳng hề dễ dàng. Cùng hai bàn tay trắng, anh quyết làm lại cuộc đời bằng năng khiếu thơ ấu của mình: Vẽ tranh. Thời gian đó, khi đôi chân anh rạc rời trên những tuyến phố để tầm sư học đạo thì cũng là lúc anh mải miết ôn thi lại vào trường ĐH Mỹ thuật Yết Kiêu (Hà Nội). Thế nhưng, tính yêng hùng thì chưa thể hoàn toàn ngủ yên. Một lần nữa, những ngóc tối thủ đô lại nghe đến danh tiếng lạnh lùng của Ngọc “sát thủ”, gắn với những vụ ẩu đả đẫm máu.
Bước ngoặt cuộc đời khi anh bén duyên cùng chị Lê Thị Mưa là con gái Quảng Ninh, kém chồng gần chục tuổi. Lấy nhau xong, hai vợ chồng dắt díu nhau sang Bát Tràng (Hà Nội), toan lấy nghiệp vẽ thuê trên các sản phẩm gốm sứ để mưu sinh nhưng luôn bấp bênh và sóng gió.
Giữa lúc ấy, cô con gái nhỏ ra đời, khó khăn lại tiếp tục dội lên vai hai vợ chồng. Anh không đi làm thuê nữa mà ở nhà chăm vợ con và vẽ tranh gốm cho riêng mình. Quyết định này có vẻ liều lĩnh nhưng hóa ra lại đúng đắn và mở ra những thuận lợi cho anh. Những bức tranh gốm do anh vẽ ngày càng đẹp và bắt mắt hơn.
Những ngày tháng khó khăn nhất của hai vợ chồng cũng dần qua, khách quen ngày càng nhiều, những người khách ái mộ tài hoa và sự niềm nở của gia đình anh lại giới thiệu thêm những khách hàng mới. Một đồn hai, hai đồn ba, cứ thế những bức tranh gốm của anh ngày càng đi xa.
Trải lòng qua từng con chữ
Khi khách đã ngớt, anh Ngọc mới có thời gian ngồi hàn huyên với chúng tôi. Nhớ lại một thời dâu bể của mình, anh cười chua chát: “Nếu không có cái nghề vẽ tranh viết chữ, có lẽ giờ tôi vẫn còn đang dật dờ ở đâu đó. Mấy năm trước về làng, có người còn không nhận ra, họ tưởng tôi đã chết bờ chết bụi ở đâu rồi”.
Theo lời kể, sau chuỗi ngày cơ hàn nơi đất khách quê người, có trong tay chút vốn liếng, vợ chồng anh khăn gói về quê mưu sinh và tìm về đất Phật Yên Tử. Sau bao nhiêu năm phiêu bạt xứ người, lần trở về này của anh Ngọc khác hẳn với những gì tâm trí người Quảng Ninh còn lưu giữ. Trong bộ áo the khăn xếp, anh may mắn được Ban quản lí Di tích & rừng quốc gia Yên Tử sắp xếp cho một vị trí ngồi viết chữ thư pháp ở lối lên đền Giải Oan trong khuôn viên lễ hội.
Thời gian đầu, anh gặp khó khăn bởi khách ít, lại chật vật với khoản kinh phí mua bút mực. Nhưng anh không nản bởi anh coi thư pháp như một người bạn luôn gắn liền với tâm hồn. Khi đọc những câu thơ đúng với tâm ý, anh liền cầm bút để thổi hồn và chia sẻ nỗi lòng mình trên từng trang giấy. Dần dà, thư quán của anh thành một địa chỉ quen thuộc của những người yêu thích nghệ thuật thư pháp. Anh cũng vinh dự được kết nạp vào CLB Nghệ thuật thư pháp Phương Nam, nơi có những thư gia tài hoa hàng đầu cả nước.
Có gian nan, thử thách, con người mới có thêm động lực để tiếp tục cháy với đam mê của mình. Giờ đây, cuộc sống hai vợ chồng anh giờ đã đi vào ổn định, kinh tế cũng được xếp vào dạng khá giả trong làng. Điều đặc biệt là cả hai cô con gái của anh đều thích thú xem bố viết chữ.
Anh tâm sự, với những con chữ viết ra, chiêm nghiệm chúng vào những bài toán cuộc đời, nhìn chữ bằng ánh mắt khiêm nhường và trái tim trong sáng, anh mới thấy hết sự thâm thúy trong cách dùng ngôn từ của người xưa. Đó cũng chính là cái “đạo” của chữ, mà cũng là cái đạo của người chơi chữ vậy...