Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2016

Nhức nhối nạn trộm sâm trên đỉnh Ngọc Linh

Hoài Thu

CANN - Huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) nổi tiếng là “thủ phủ” của sâm Ngọc Linh, là cây trồng chủ lực phát triển kinh tế, thoát nghèo của người nông dân địa phương. Tuy nhiên, hiện tình trạng trộm sâm đang là vấn đề nóng và nhức nhối tại địa bàn này…
Ngày 4-3, thiếu tá Đinh Việt Trung - Trưởng Công an huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết: Do cây sâm Ngọc Linh, sản phẩm lâm nghiệm có giá trị kinh tế cao, nên thời gian gần đây nhiều đối tượng đã lợi dụng sự kém hiểu biết về pháp luật của người dân địa phương, đặc biệt là nhiều trẻ vị thành niên để dụ dỗ và cấu kết thực hiện nhiều vụ trộm sâm.

Cụ thể, vào cuối tháng 9-2015, Công an huyện Nam Trà My đã bắt khẩn cấp đối tượng Hồ Văn Báo (20 tuổi, ngụ thôn 4, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My) vì hành vi trộm cắp sâm Ngọc Linh.

Tại cơ quan CSĐT, Báo khai nhận: Đêm 28-9, Báo đã đột nhập vào vườn sâm của anh Hồ Văn Bút tại thôn 4, xã Trà Linh. Tại đây, báo nhổ trộm 32 cây sâm Ngọc Linh loại từ 3 đến 6 năm tuổi, trọng lượng 0,69 kg, ước tính trên 15 triệu đồng. Sau khi trộm sâm, Báo chờ đến sáng hôm sau rồi dùng xe máy vận chuyển xuống trung tâm huyện Nam Trà My để tiêu thụ. Được biết, năm 2011, Báo từng trộm 2 kg sâm Ngọc Linh và bị tuyên 2 năm tù giam.

Trước đó, Công an huyện Nam Trà My cũng đã bắt giữ 3 đối tượng trộm sâm gồm: A Tam, Hồ Văn Đó, Hồ Văn Phê (đều trú tại xã Trà Linh, huyện Nam Trà My). Khối lượng sâm tươi các đối tượng nhổ trộm lên đến 11kg, định giá trên 136 triệu đồng. Cũng theo thiếu tá Đinh Việt Trung, trong năm 2015 Công an huyện đã tập trung lực lượng, tiến hành điều tra làm rõ và chuyển Viện kiểm sát huyện truy tố 3 vụ 8 đối tượng.


Đáng nói, trong thời gian qua, nạn trộm cắp sâm tại huyện Nam Trà My xảy ra liên tục, gây bức xúc trong bà con, ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh trật tự tại địa bàn. Điều tra của Công an huyện cho thấy,  hầu hết các đối tượng trộm sâm ở độ tuổi còn rất trẻ, không ít là trẻ vị thành niên và đều là người dân địa phương.

Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận do điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu tiền uống rượu và được một số đối tượng là “chủ nậu” chuyên thu mua sâm lậu thuê nhổ sâm trộm với giá rẻ mạt. Một khó khăn lớn đối với lực lượng Công an địa phương trong việc ngăn chặn nạn trôm cắp sâm nữa do: Điều kiện giao thông đi lại khó khăn, cách trở, vườn sâm thường nằm trong rừng sâu, lực lượng điều tra phải đi bộ đường rừng mất ít nhất từ 5 tiếng thậm chí cả ngày trời. Những điểm trồng sâm lại xa làng đồng bào Xê đăng….


Thêm vào đó, cây sâm rất dễ nhổ, củ sâm dễ lấy, nên kẻ gian thường lợi dụng. Thậm chí, các đối tượng này còn hết sức liều lĩnh, bất chấp các phương pháp “bảo vệ” nghiêm ngặt như cắm chông, rào báo động …của các chủ rừng. Không ít vụ, chỉ trong một đêm, bọn trộm có thể nhổ hàng chục kg sâm để bán cho các đầu nậu thu mua sâm... Điều này đã gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho các chủ rừng sâm và người dân…

Chính vì vậy, để ngăn chặn tận gốc tình trạng này, ngoài sự vào cuộc của lực lượng Công an, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương thì hơn ai hết, người dân phải nâng cao tinh thần cảnh giác, cộng đồng trách nhiệm thông qua phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, không để kẻ xấu lợi dụng chính đồng bào để trộm cắp sâm.