MTG - Năm 2014, theo Bộ VH-TT và DL, tổng số tiền công đức, tiền “giọt dầu” (tiền người dân để lên các bàn thờ) của các đình, chùa khoảng 200 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo một ngân hàng lớn tại Hà Nội, nơi nhận tiền gửi của nhiều ban quản lý đình, chùa thì thực tế, số thu của nhiều chùa còn lớn hơn rất nhiều.
Trước Tết nguyên đán vừa qua, việc Ngân hàng Nhà nước có chủ trương không in tiền lẻ mới và những quy định mới của Bộ Văn hóa, Thể thao-Du lịch yêu cầu siết chặt quản lý về mua, đổi tiền lẻ; tăng cường tuyên truyền cho người dân không đặt lễ bằng tiền mệnh giá nhỏ các đền, đình, chùa…đã khiến cho lượng tiền “giọt dầu”, tiền công đức…giảm đi rõ rệt. Ở hầu hết các chùa lớn như chùa Hương, chùa Bái Đính, phủ Tây Hồ, chùa Yên Tử…hiện tượng người dân đặt tiền, dán tiền vào tay, tượng phật, ném tiền lẻ…không xảy ra bừa bãi như các năm trước đã bớt đi rất nhiều.
Ông Trương Tín Hồi, Phó ban quản lý di tích Phủ Tây Hồ cho biết, “các năm trước, ở đây, trước cổng phủ có rất nhiều bàn mua bán, đổi tiền lẻ, không biết tiền đâu ra, toàn mới tinh, kẹp chì nhưng năm nay không còn nữa”. Nhưng ông cũng cho biết, mới giải quyết được phần nào vì Phủ Tây Hồ, thời gian trước và sau Tết luôn “đông hơn cả bến xe” nên hiện tượng người đến đông quá, vứt tiền từ xa vào ban thờ, câu đối, tượng….vẫn không hết.
Ông Đỗ Đức Dục, Phó GĐ Ngân hàng Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Hà Tây (Hà Nội), nơi nhận tiền gửi công đức của rất nhiều ngôi chùa lớn, nhỏ cho rằng, năm nay số thu tiền công đức, giọt dầu các chùa chắc chắn giảm sút do việc thực hiện các quy định về cấm mua bán, đổi tiền lẻ, không in thêm tiền mệnh giá nhỏ. Nhưng theo ông, con số tiền công đức, cúng tiến của hàng ngàn đình, chùa, đền của cả nước mà các cơ quan quản lý ngành văn hóa thống kê là khoảng 200-300 tỉ đồng/năm là chưa chính xác.
“Theo tôi, thực tế lớn hơn rất nhiều vì ngoài các khoản tiền công đức, giọt dầu…thực tế, đến chùa, người ta còn cung tiến nhiều khoản khác. Ví dụ như một doanh nhân, một gia đình…khi muốn gặp thượng tọa một chùa lớn thì ngoài lễ thì cũng phải có những khoản dâng, tặng riêng. Nhiều khi đây là khoản rất lớn mà không vào sổ và không gửi ngân hàng như ngân hàng chúng tôi không thấy nhà chùa gửi khoản này, mặc dù biết đó là nguồn rất lớn”, ông Dục nói.
Một vị sư ở một ngôi chùa nhỏ phía Bắc cho biết, chùa của ông thì nguồn thu ít, nhưng nhìn chung, các chùa, đền, theo ông biết, đều không chỉ trông vào tiền công đức vì có khi, tiền công đức, giọt dầu của nhân dân chỉ đủ chi phí trong chùa, thậm chí không đủ.
“Các nhà sư thường có nhiều nguồn thu nữa từ việc đi cúng cầu siêu, giải hạn, lễ tại nhà: siêu độ gia tiên, nhập trạch..., thường mỗi lễ sẽ kèm theo tiền biếu riêng cho thầy dăm ba triệu, thậm chí lên đến vài chục và cả trăm triệu đồng nếu người mời cúng là những gia đình làm ăn, buôn bán, doanh nhân lớn, nhiều tiền của”, vị sư này cho biết.
Trên thực tế, mô hình quản lý về thu, chi tiền công đức, tiền cúng tiến ở hầu hết các đình, chùa trên cho đến này vẫn không thống nhất: có nơi do các Ủy ban nhân dân, Sở Văn hóa, Thể thao-Du lịch địa phương quản lý; có nơi do cộng đồng người dân quản lý (có thể qua các hội: Hội người cao tuổi, hội phụ nữ…), có nhiều nơi do sư trụ trì, thủ từ…tự quản lý, thu chi. Có nơi lại do một doanh nghiệp quản lý như chùa Bái Đính do Công ty Cổ phần Chùa Bái Đính quản lý.
Do việc quản lý không thống nhất như vậy và có những nơi quản lý rất lỏng lẻo, sơ hở nên xảy ra những việc không mong muốn, làm thất thoát, mất mát tiền của người dân đóng góp mà đình, chùa đó lại không được sửa sang, dịch vụ cho người dân đến chùa yếu kém. Nơi thì có chuyện nhà sư dùng tiền công đức mua xe, điện thoại quá sang trọng; có người còn gửi tiền về quê xây nhà, tậu trang trại; nơi thì có người trong ban quản lý thụt két công đức…
Cách đây hơn 1 năm, có nhà sư trụ trì một ngôi chùa ở TP Hồ Chí Minh mất đi nhưng số tiền để lại trong tài khoản khá lớn, lên tới hàng chục tỉ đồng nhưng lại không để lại di chúc, dẫn đến tranh chấp, kiện tụng quyền thừa kế của gia đình và nhà chùa.
Mấy năm nay, đã xảy ra không ít các vụ kiện tụng, tranh chấp liên quan đến quyền quản lý tiền công đức của đình chùa như vụ việc tranh chấp giữa ban quản lý và chính quyền ở Đền Củi (Đền ông Hoàng Mười) ở Hà Tĩnh. Vụ kiện Phủ Giầy (Nam Định) về quyền quản lý giữa chính quyền và người phụ trách đền hiện vẫn đang gây tranh cãi giữa các bên…tốn không ít giấy mực của báo chí.
Hay việc một số chùa, cũng là di tích quốc gia, nhưng sư trụ trì sử dụng tiền công đức, tiền cho thuê dịch vụ….vào việc cá nhân: mua xe sang, sắm điện thoại đắt tiền…gây điều tiếng trong dư luận. Mới đây nhất là chuyện tại chùa T. (Hưng Yên), hiện nay, chính quyền và nhân dân xã cũng đang bất bình về chuyện trụ trì của chùa đã và đang làm nhiều việc bất thường như: tự ý chặt 4 cây vải cổ thụ lớn của chùa đem bán; chuyển nhà ăn của chùa thành nhà thi đấu cầu lông để cho thuê, lấy tiền cá nhân.
Nhưng cũng có nhiều chùa, là di tích lịch sử quốc gia, nguồn thu lớn, do nhà nước quản lý nhưng do quy chế quản lý chi tiêu quá chặt nên việc chi tiêu, sửa sang chùa rất khó khăn làm cho đình, chùa đó xuống cấp, ngày càng ít người đến. Ví dụ như Chùa Một Cột - Một ngôi chùa có tính biểu tượng ở Thủ đô nhưng có những thời điểm xuống cấp rất nặng, mái hở làm mưa ướt hết cả tượng và người ta phải mặc áo mưa cho tượng.
Theo hòa thượng Thích Thanh Thắng, chùa Phúc Lâm (TP Biên Hòa-Đồng Nai), hiện nay, khi lượng tiền công đức đổ về đền chùa, miếu mạo ngày một tăng thì ngày càng nhiều các cơ quan, tổ chức quan tâm đến việc “quản lý”. Vị sư này cho rằng, nhà nước không cần phải ra nhiều quy định quản lý vì khi giáo hội cử vị sư nào về một ngôi chùa nào đó là đã có sự lựa chọn, tin tưởng và chính các phật tử và nhân dân địa phương sẽ là người giám sát tốt nhất đến việc tu hành của các nhà sư và cả những vấn đề thu, chi tiền công đức, cung tiến của nhân dân và các tổ chức cho nhà chùa.
“Tất nhiên, Giáo hội cần điều chỉnh công tác quản lý của mình, đưa việc quản lý tiền công đức vào Hiến chương của Giáo hội, các nguồn tiền công đức, chi tiêu ra sao cần qui định, ghi chép minh bạch, cụ thể…Ai làm sai sẽ bị xử lý, thiên chuyển và tiền công đức, cung tiến nếu do cá nhân đứng tên trong ngân hàng cần quy định là tài sản của nhà chùa chứ không còn của cá nhân, nếu có viên tịch sẽ được giao lại cho người kế nhiệm quản lý”, nhà sư Thích Thanh Thắng nêu.