MTG - Tuy có một số quy định nhất định của nhà nước nhưng nhiều nguồn tin cho biết việc quản lý thu, chi ở các chùa mỗi nơi một kiểu và khá lỏng lẻo. Đã xảy ra trường hợp nhà sư lên facebook tự khoe siêu xe MayBach, xài điện thoại siêu sang Vertu,...
Vẫn chi nhiều tiền mua sắm điện thoại, xe sang…
Việc quản lý tiền công đức, đóng góp của người dân cho xây dựng, tu bổ chùa chiền trên thực tế không phải chùa nào cũng làm tốt và mô hình quản lý cũng khá đa dạng. Có nhiều chùa do Nhà nước quản lý hoặc tham gia quản lý qua người đại diện ở các ban quản lý di tích được quản lý khá chặt, mọi việc chi tiêu do trụ trì đề xuất cũng phải qua ban quản lý. Tuy nhiên, cũng có nhiều chùa ngay cả nhà nước có quản lý vẫn để xảy ra những chuyện đáng tiếc.
Có những chùa để xảy ra những việc khá tai tiếng. Năm 2014, trên mạng xã hội, báo chí đã rộ lên thông tin vị sư Thích Thanh C. (tu tại chùa X., Hải Dương) đi xe MayBack, sở hữu iPhone 6, điện thoại Vertu…và khoe cả những tài sản mình có (bằng tiền phật tử biếu, tặng) trên facebook cá nhân. Mới đây, trên mạng xã hội, và một số tờ báo cũng đăng tải hình ảnh, thông tin về một vị sư ở một ngôi chùa nhỏ Bắc Ninh khá “biết chơi” khi sở hữu chiếc xe Ford Mustang trị giá khoảng 2 tỉ đồng.
Nhưng cũng có không ít chùa quản lý theo mô hình đại diện cho dân địa phương tự quản hay tư nhân tự quản hiện nay lại được quản lý khá tốt và được người dân địa phương, khách đến chùa đánh giá cao. Ví dụ, chùa Ba Vàng (Uông Bí, Quảng Ninh), người dân địa phương góp vốn tu bổ, xây dựng chùa và quản lý tiền công đức thông qua một hội đồng. “Chúng tôi đến chùa, thấy rất khang trang, tất cả các dịch vụ như giữ xe máy, ô tô, cơm chay…đều được miễn phí và tổ chức rất chu đáo. Nếu các chùa đều được quản lý như vậy thì thực sự rất tốt”, anh Nguyễn Ngọc Xuân (Hà Nội) nói.
Hay ở chùa Nôm (Hưng Yên), tuy là ngôi chùa không lớn được quản lý theo hình thức gia đình nhưng lượng khách, phật tử đến chùa hàng năm, nhất là dịp lễ, hội, đầu năm cũng khá đông. Theo quan sát của chúng tôi, ngay cả những ngày thường, gần 2 tháng sau Tết, lượng khách đến chùa này vẫn rất đông và tiền công đức tại chùa không hề nhỏ với mức ghi công đức thấp nhất của mỗi người dân từ 50-100 ngàn đồng.
Sư Thích Thanh An cho biết:
“Chùa cũng thu được nhiều nhưng chúng tôi dùng để đầu tư, cải tạo hàng năm rất lớn. Năm ngoái, riêng làm nhà khách, một công trình toàn bằng gỗ lim cũng đã hết 16-17 tỉ đồng. Còn chi tiêu hàng tháng của chùa cũng rất lớn, trung bình 120 triệu đồng/tháng, riêng tiền điện đã hết khoảng 20 triệu đồng/tháng. Nhà chùa cũng đang xây ngôi chùa mới ở thành phố Hà Giang, vốn đầu tư dự kiến cũng vài chục tỉ đồng”.
Theo nhà sư Thích Thanh An, trị trì của chùa Nôm, nhà sư Thích Đồng Huệ chủ trương, lấy phần lớn tiền công đức, đóng góp của phật tử để xây dựng, tu bổ chùa cho ngày càng to đẹp, còn lại thì để làm từ thiện. “Trước nay sư cụ vẫn chỉ dùng chiếc xe 4 chỗ để đi lại, các sư trong chùa nói mãi vừa rồi cụ mới chuyển sang xe to hơn để đi lại cho rộng rãi”, sưThích Thanh An nói.
Trao đổi với người viết bài này về chuyện ngày nay, cũng có một số nhà sư thích đi lại bằng xe đắt tiền, dùng điện thoại sang trọng, nhà sư Thích Thanh An, chùa Nôm, Hưng Yên nói:“Tôi thấy mấy trường hợp đó còn ít đấy. Có chùa, tôi biết, nguồn thu chỉ trong tháng sau Tết và dịp lễ hội đã có 30 tỉ đồng. Ở đó, có vị riêng dàn xe sở hữu đã trị giá 100 tỉ đồng với hơn 10 chiếc và tiền xăng một năm đi đã tốn gần 500 triệu đồng”.
“Ở chùa chúng tôi, sư trụ trì luôn dặn, mình mua sắm cái gì cũng có mức độ thôi, xe cần cũng mua cái đủ dùng, vài trăm triệu thôi, để còn tiền thì làm từ thiện, không cần thiết xài đồ sang, lãng phí”, nhà sư chùa Nôm nói.
Một doanh nhân ở Hà Nội cũng hay đi lễ chùa kể, tháng trước, anh vào công tác tại TP Hồ Chí Minh, anh em tổ chức đi vào thăm một ngôi chùa lớn ở thành phố. Chúng tôi rất bất ngờ khi thấy nhà chùa đưa cả 2 xe Lexus 570 mới coóng ra đón anh em, nhưng vẫn thiếu nên một ông trong ban quản lý chùa lại gọi thêm một chiếc nữa ra đón. “Lexus 570 cũng là xe sang, khá đắt tiền không phải xe hạng sang nhất nhưng có đến 3 chiếc mà theo tôi biết nhà chùa còn vài cái y như vậy nữa, cũng đủ biết nhà chùa rất biết chơi”, anh nói.
Đền chùa, lộn xộn như…bến xe
Ông Trương Tiến Hồi, Phó ban quản lý di tích Phủ Tây Hồ cho biết, Phủ Tây Hồ là một trong những di tích, danh thắng nổi tiếng nhất của thủ đô nên ngày lễ tết, rằm…lượng người đến thực sự “kinh khủng”. “Những ngày tết, có ngày cả vạn lượt khách vào, có những đoàn 20-30 ô tô ở các địa phương tới, toàn xe chờ 50-60 người, hết đoàn này đến đoàn khác, chúng tôi phải kết hợp nhờ công an phường, quận, thành phố giúp cho để đảm bảo trật tự. Ở đây nhiều khi đông, lộn xộn như cái bến xe ấy nên có khi thanh tra của Bộ về yêu cầu chấn chỉnh mà cũng có giải quyết được đâu”, ông nói.
Với lượng khách thường xuyên đông như vậy, nguồn thu của phủ Tây Hồ cũng rất lớn, trung bình một năm đạt khoảng 3 tỉ đồng. “Những ngày lễ, tết, tiền giọt dầu, nhang đèn, cũng đạt khoảng 20 triệu đồng/ngày nhưng toàn tiền lẻ 1000-2000 đồng thôi, kiểm đếm vất vả lắm, kiểm xong, chúng tôi chuyển hết vào ngân hàng Vietinbank”, ông Hồi cho biết.
Theo ông Hồi, cũng như nhiều đình, chùa khác, việc quản lý thu, chi ở Phủ Tây Hồ được quản lý khá chặt. Ở Phủ chỉ đặt 6 hòm công đức và thu tiền giọt dầu, nhang đèn bao nhiêu, đều bỏ hết vào hòm công đức. Khi mở hòm, đều có đại diện của ban quản lý di tích, chính quyền, ngân hàng…và vào sổ sách đầy đủ. “Còn việc chi tiêu, đều phải có báo cáo cả. Muốn sửa sang, tu bổ gì cũng phải lập dự án. Chúng tôi dành phần lớn để trùng tu, tôn tạo di tích. Ở đây, 49 pho tượng đều đúc bằng đồng hết và đã qua nhiều năm tu bổ: 1997, 2006, 2011 và 2014. Bây giờ nếu có làm gì chỉ tu bổ nhỏ thôi”, ông Hồi nói.