VNN - Ông Lê Trung Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng Bảo Việt trước đây từng làm việc trong ngành Hải quan, và từng bị khởi tố về hành vi “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng ảnh hưởng với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi”, đã bị Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên phạt 3 năm tù về những hành vi nói trên.
Thế nhưng, trong hồ sơ đề nghị Ngân hàng nhà nước chấp thuận Danh sách ứng cử viên làm thành viên Hội đồng quản trị do Ngân hàng Bảo Việt cung cấp thì ông Lê Trung Hưng chưa từng có tiền án.
Ngày 26/12/2008, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã có văn bản số 3209/QĐ-NHNN về việc “chuẩn y bầu, bổ nhiệm thành viên hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc của ngân hàng Bảo Việt".
Theo như quyết định này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định chuẩn y, bổ nhiệm ông Lê Trung Hưng làm thành viên Hội đồng quản trị.
Sau khi bà Nguyễn Thị Phúc Lâm thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT đến nay, phía Ngân hàng Bảo Việt vẫn không thể bầu được Chủ tịch HĐQT mới. Mọi hoạt động của ngân hàng này được điều hành bởi 4 ủy viên HĐQT và ông Hưng là một trong 3 phó chủ tịch thường trực, kiêm Chủ tịch hội đồng tín dụng.
Thế nhưng, bản lý lịch của ông Hưng do Tổng cục Hải quan cung cấp cho VietNamNet: trước thời điểm về làm việc tại Ngân hàng Bảo Việt, ông Hưng từng giữ nhiều chức vụ trong Tổng cục Hải quan. Và trong thời gian làm việc trong ngành Hải quan, ông Hưng đã từng bị khởi tố về hành vi “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng ảnh hưởng với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi”. Cá nhân ông Hưng cũng đã bị Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên phạt 3 năm tù về những hành vi nói trên.
Từ ngày 6/5/1996, ông Hưng được bổ nhiệm làm Phó trưởng phòng Điều tra chống buôn lậu. Thời gian này, vì có dư luận xấu nên theo yêu cầu của ông Phan Văn Dĩnh – Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Hải quan Bình Định đã buộc phải điều động ông Hưng sang làm nhiệm vụ phó Hải quan cửa khẩu Sa Kỳ (Quảng Ngãi).
Thời gian sau đó, ông Hưng lại tiếp tục được bổ nhiệm với vị trí Trưởng phòng Điều tra chống buôn lậu. Khi nắm giữ một vị trí đầy quyền lực trong ngành hải quan, ông Hưng tiếp tục bị phản ánh liên quan đến vấn đề tiêu cực. Bởi vậy, đầu năm 1998, Tổng cục Hải Quan đã điều động ông ra làm việc tại Tổng cục Hải quan. Thời gian này, ông Hưng dính líu đến vụ án buôn lậu Tân Trường Sanh; cơ quan chức năng cũng tiến hành làm rõ mối quan hệ giữa ông Hưng với Phan Ngọc Lâm (Giám đốc Công ty TNHH Anh Lâm, bị C15 khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan trong đường dây buôn lậu Tân Trường Sanh).
Từ tháng 7/1998 đến 5/2000, ông Hưng được giao chức vụ Đội trưởng đội kiểm soát Hải quan cơ động trên biển số 2 tại Đà Nẵng. Thời gian này, vụ án Tân Trường Sanh được mở rộng điều tra và có nhiều thông tin cho rằng ông Hưng liên quan đến đường dây này. Bởi vậy nên Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã yêu cầu ông Hưng phải làm kiểm điểm, làm rõ mối quan hệ giữa ông Hưng với Trần Quang Vũ (con Trần Đàm trong vụ án Tân Trường Sanh).
Đặc biệt, ngày 30/10/2002, cơ quan CSĐT công an tỉnh Tiền Giang phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy và công an Hà Nội tiến hành bắt khẩn cấp đối với ông Lê Trung Hưng về hành vi “nhận hối lộ”. Ông Hưng là đối tượng bị bắt liên quan trực tiếp đến vụ án Ngô Đức Minh về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy.
Với những hành vi vi phạm pháp luật rõ ràng, ngày 28/6/2004, Tòa án nhân dân TP. HCM đã tuyên phạt ông Lê Trung Hưng 3 năm tù về tội “Lợi dụng ảnh hưởng với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi". Bị cáo Hưng được hưởng án treo, thời gian thử thách là 3 năm.
Trước khi phiên tòa này diễn ra, ông Hưng cũng bị khai trừ khỏi Đảng và bị xử lý kỷ luật.
Bắt đầu từ ngày 18/8/2006, ông Lê Trung Hưng nghỉ việc tại Tổng cục Hải quan.
Sau khi rời khỏi Tổng cục Hải quan, ông Hưng bước sang nhiều lĩnh vực kinh doanh. Và, ngân hàng Bảo Việt chính là điểm dừng chân của Lê Trung Hưng với nhiều vị trí quan trọng.
Với quá khứ như vậy nhưng trong hồ sơ đề nghị Ngân hàng nhà nước chấp thuận Danh sách ứng cử viên làm thành viên Hội đồng quản trị do Ngân hàng Bảo Việt cung cấp thì ông Lê Trung Hưng chưa từng có tiền án.
Dư luận đặt câu hỏi, Ngân hàng Bảo Việt, Tập đoàn Bảo Việt, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài Chính… và các cơ quan chức năng làm sao lại để lọt lý lịch nhân sự như thế khi đưa vào vị trí quan trọng của ngân hàng với 52% vốn Nhà nước?
Các cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ để làm trong sạch bộ máy và củng cố lòng tin trong nhân dân.