Thứ Tư, 12 tháng 7, 2017

Giám định chết trong đồn công an VN 'là bí mật'?

BBC - Một luật sư nói với BBC rằng "người dân có quyền nghi ngờ về những cái chết trong đồn công an" một khi kết quả giám định pháp y những vụ này không được công khai và được xem là 'bí mật nhà nước'.

Một thanh niên ở huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận qua đời sáng 8/7 sau khi được cho là tự tử khi đang "viết tự khai" tại đồn công an ở Phan Rang, truyền thông trong nước đưa tin.

Hôm 6/7, ông Nguyễn Hồng Đê, 25 tuổi, được đưa về Nhà tạm giữ Công an thành phố Phan Rang - Tháp Chàm vì là nghi phạm trong một vụ án cố ý gây thương tích xảy ra hồi cuối tháng 5/2017, Công an thành phố Phan Rang được các báo dẫn lời.

Theo báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh, "trong khi ngồi viết bản tự khai tại phòng làm việc của điều tra viên, anh Đê đã dùng áo của mình làm dây treo vào cửa sổ để tự tử."

Trước đó, vụ một người dân bị cho là "tự tử bằng dây thun quần" tại Công an phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh gây xôn xao công luận.

Trong một vụ xảy ra hồi đầu tháng 5/2017, giới chức nói ông Nguyễn Hữu Tấn, 38 tuổi, người bị công an tỉnh Vĩnh Long bắt để điều tra hành vi "tán phát tài liệu chống phá nhà nước", đã "tự sát" chỉ sau một ngày tạm giam.

'Hoang mang và hoài nghi'

Hôm 10/7, luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật Phạm Nghiêm ở TP Hồ Chí Minh, nói với BBC:

"Người dân có quyền nghi ngờ về những cái chết trong đồn công an mà báo chí hay tường thuật là do nạn nhân tự tử bằng những vật dụng đơn giản đến khó tin như quần áo họ đang mặc trên người."

"Một khi kết quả giám định pháp y những vụ này không được công khai và vẫn được xem là 'bí mật nhà nước' thì người dân càng hoang mang và hoài nghi không biết chuyện gì sẽ xảy ra khi minh hoặc người thân được mời đến đồn công an."

Luật sư Công Út cho hay trong vụ ông bảo vệ cho nạn nhân Nguyễn Văn Đức bị chết do 'dùng nhục hình' tại tỉnh Vĩnh Long, vụ án bị Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao né tránh việc khởi tố bị can, dù đã ra quyết định khởi tố vụ án. với lý do "chờ kết quả giám định pháp y" dù kết quả đã có.

"Trong những vụ như thế này, luật sư phải đấu tranh bằng nhiều cách, yêu cầu khởi tố bị can và yêu cầu bồi thường tính mạng cho nạn nhân."

Có camera giám sát sẽ rõ truy cứu ai

Ông cũng cho hay:

"Hy vọng từ thời điểm Bộ luật Hình sự 2015 chính thức có hiệu lực ngày 1/1/2018, người dân biết quyền của mình và yêu cầu có luật sư đi cùng mỗi khi họ bị mời/triệu tập đến đồn công an."

Cùng ngày, trả lời BBC từ Hà Nội, ông Nguyễn Đình Hà, luật gia, cựu ứng viên tự đề cử đại biểu Quốc hội, nói:

"Tôi từng bị công an đưa về trụ sở và thấy họ thường để lại ít nhất một người theo dõi nhất cử nhất động của tôi trong phòng."

"Khi tôi đi vệ sinh cũng có người kè kè bên cạnh. Còn khi thẩm vấn, có ít nhất ba người, trong đó có một người quay phim lại tiến trình làm việc."

"Vậy thì không thể có chuyện gì ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của tôi mà họ không biết."

"Về những cái chết trong đồn công an, nếu có camera giám sát thì sẽ rõ hơn những gì đã xảy ra và có thể truy cứu trách nhiệm dễ dàng."

"Còn nếu không, trách nhiệm đầu tiên thuộc về người trực tiếp làm việc, thẩm vấn người bị tạm giữ, được mời đến cơ quan công an."

"Giả sử như có chuyện dùng bạo lực đối với người bị tạm giữ, tạm giam, công an đã vi phạm pháp luật rõ ràng."

"Bởi trong Hiến pháp ghi nhận sự bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật, vậy thì công an hay dân thường đều không có quyền hành hung người khác, chứ chưa nói đến việc anh là người làm công vụ thì còn nhiều điều luật ràng buộc hơn nữa."

"Còn nếu không có việc dùng bạo lực, phía cơ quan công an có trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người bị tạm giữ, tạm giam, được mời đến làm việc."

"Ít nhất là việc giám sát hành vi của người dân trong cơ quan của họ."

"Phía công an càng phủ nhận trách nhiệm của họ trong các sự việc này, uy tín và hình ảnh của họ trong mắt người dân sẽ càng kém đi và không gì cứu vãn nổi ngoài sự thật và việc dám đối diện, nhìn nhận sai phạm."

Chống bạo lực và 'an toàn cho đối tượng phạm tội'

Theo báo Công an Nhân dân (03/05/2017), thống kê của Bộ Công an Việt Nam cho hay trong 10 năm (2006-2016), Bộ này đã khởi tố, điều tra 79.000 vụ, 99.000 đối tượng phạm tội có sử dụng bạo lực.

Nguồn tin này cũng cho hay "trung bình mỗi năm cả nước xảy ra 1.400 vụ giết người, 6.500 vụ cố ý gây thương tích…"

Tuy nhiên bài báo trong nói rõ những con số trên có bao gồm về các vụ bạo lực xảy ra tại đồn công an, trong các trại tạm giam ở Việt Nam, và các vụ tử vong khi bị bắt giữa.

Cũng trang báo Công an Nhân dân cho hay hồi tháng 4/2017, vấn đề này có được đề cập gián tiếp trong Hội thảo khoa học "Giải pháp bảo đảm an toàn cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trong phòng, chống tội phạm" ở Hà Nội (14/04).

Phát biểu tại Hội nghị này, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương nhấn mạnh một số giải pháp bảo đảm an toàn cho nhân dân và CBCS trong phòng, chống tội phạm:

"Tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức của lãnh đạo, chỉ huy và CBCS trong lực lượng CAND về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn cho nhân dân và CBCS Công an; trong trường hợp không phải sử dụng vũ lực theo quy định của pháp luật, cần bảo đảm an toàn cho cả đối tượng phạm tội, phòng ngừa đối tượng phạm tội tự sát, tự đả thương."