NĐT - Bộ Công an đã tăng cường lực lượng phối hợp với Công an tỉnh Quảng Nam điều tra nghi án làm giả quyết định cho phép khai thác cát của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam.
Sáng 11.5, đại tá Phan Văn Tri, Trưởng phòng Tham mưu kiêm người phát ngôn Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết theo yêu cầu của UBND tỉnh Quảng Nam, ngày hôm qua (10-5), Công an tỉnh báo cáo kết quả điều tra ban đầu liên quan đến nghi vấn làm giả quyết định cho phép khai thác cát của lãnh đạo tỉnh.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra có nhiều tình tiết phức tạp, nhiều đơn vị, địa phương cần xác minh làm rõ nên Công an tỉnh Quảng Nam đã xin hoãn thời điểm báo cáo. Ông Tri cho biết thêm, Bộ Công an cũng đã tăng cường lực lượng phối hợp với Công an tỉnh Quảng Nam điều tra làm rõ vụ việc này.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, cũng cho biết do phát sinh nhiều tình tiết phức tạp nên công an tỉnh chưa gửi báo cáo kịp theo yêu cầu của UBND tỉnh.
Liên quan đến sự việc này, ngày 2.5, Công ty CP Trung Nam (nhà thầu thi công dự án Khu đô thị quốc tế mới Đa Phước - quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã gửi công văn đến Công an tỉnh Quảng Nam.
Trong văn bản, Công ty CP Trung Nam cho rằng các phương tiện truyền thông đặt nghi vấn làm giả Quyết định số 1193/QĐ-UBND ngày 6.4.2015 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc: Gia hạn giấy phép khai thát cát làm vật liệu thông thường và thuê đất tại khu vực xã ATiêng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đã gây khó khăn cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp thời điểm hiện tại, làm tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh, thương hiệu và uy tín của công ty.
Công ty CP Trung Nam tái khẳng định đã ký hợp đồng mua cát với Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tây Trường Sơn Quảng Nam (viết tắt là Công ty Tây Trường Sơn). Trong hợp đồng nêu rõ bên bán đảm bảo tính hợp hợp pháp, hợp lý của nguồn vật liệu, chịu trách nhiệm trước cơ quan chức năng, trước pháp luật về nguồn cát khai thác.
Công ty CP Trung Nam cũng cho hay từ tháng 9 đến tháng 12.2016, Công ty Tây Trường Sơn đã cung ứng và vận chuyển cát san nền bằng đường bộ về đến công trường và đã xuất bán 3 hóa đơn GTGT, đã được công ty kê khai thuế.
"Chúng tôi không chú trọng đến nguồn gốc cát vì bên bán cát chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính pháp lý của nguồn cát và chịu trách nhiệm kê khai nộp các loại thuế theo qui định. Chúng tôi chỉ kiểm tra tính hợp pháp của doanh nghiệp Tây Trường Sơn và hóa đơn GTGT mà công ty này xuất bán cát cho chúng tôi là hoàn toàn hợp lệ" – Công ty CP Trung Nam nêu và cho hay tháng 01.2017, Công ty Tây Trường Sơn không cung cấp được cát nên hai bên đã thanh lý hợp đồng.
Công ty CP Trung Nam tiếp tục khẳng định không làm giả quyết định của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đồng thời đề nghị Công an tỉnh Quảng Nam điều tra làm rõ trắng đen.
Điều đáng nói, trong văn bản ngày 4.4, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết chủ đầu tư dự án Khu đô thị quốc tế mới Đa Phước là Công ty TNHH The Sunrise Bay khẳng định đã ký hợp đồng trọn gói với Công ty CP Trung Nam, trong hợp đồng quy định rõ nguồn gốc vật liệu xây dựng phải hợp pháp và nguồn cát này được lấy từ huyện Tây Giang. Thế nhưng, trong văn bản của mình, Công ty CP Trung Nam lại khẳng định "trong hợp đồng đã ký giữa hai bên (giữa Trung Nam và Tây Trường Sơn), không hề nói đến mỏ cát tại xã A Tiêng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam".
Văn bản của Sở Xây dựng TP Đà Nẵng |
Chủ đầu tư giải trình với Sở Xây dựng TP Đà Nẵng nói lấy cát từ Tây Giang còn nhà thầu nói trong hợp đồng với đơn vị cung ứng không hề nhắc đến mỏ cát ở Tây Giang |
Vậy, câu hỏi đặt ra là ai đã cung cấp thông tin, hồ sơ cho chủ đầu tư để chủ đầu tư giải trình với Sở Xây dựng TP Đà Nẵng rằng nguồn cát lấp biển Đà Nẵng được lấy từ huyện Tây Giang?
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, sau khi bị nghi ngờ sử dụng cát trộm ở Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam), dự án Khu đô thị quốc tế mới Đa Phước bị Sở Xây dựng TP Đà Nẵng tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, sau đó, dự án trên được cho thi công trở lại vì chủ đầu tư chứng minh nguồn cát "hợp lệ". Theo văn bản của Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, chủ đầu tư nói lấy cát từ huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam), đá khai thác từ các mỏ thuộc Hòa Vang, Cẩm Lệ, Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) và Đại Lộc (Quảng Nam).
Tuy nhiên, UBND huyện Tây Giang sau đó phản ứng hết sức gay gắt vì địa phương này hoàn toàn không có mỏ cát. Các cơ quan báo chí phát hiện Quyết định số 1193 ngày 6.4.2015 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc gia hạn giấy phép khai thác cát ở khu vực xã A Tiêng (huyện Tây Giang), do ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký, cho phép Công ty Tây Trường Sơn khai thác mỏ cát 3 triệu khối ở xã A Tiêng có dấu hiệu giả mạo. Tỉnh Quảng Nam cũng khẳng định chưa hề ký cấp phép cho bất kỳ doanh nghiệp nào khai thác cát ở Tây Giang vì địa phương này không hề có mỏ cát.