TTO - Đang bị truy nã đặc biệt trong vụ buôn lậu tại công ty Tân Trường Sanh, Trần Quang Vũ lại được TAND quận 3, TP.HCM tuyên bố 'đã chết' theo đơn đề nghị của ông Trần Đàm - cha của Vũ.
Viện KSND cấp cao tại TP.HCM đã ban hành quyết định kháng nghị tái thẩm theo hướng hủy bỏ quyết định của TAND quận 3 về việc tuyên bố 3 người đã chết. Lý do: 1 trong số 3 người được tuyên bố là đã chết vẫn đang bị truy nã.
Tuyên chết vì không có mặt ở địa phương?
Theo nội dung vụ việc, quyết định số 11 năm 2012 của TAND quận 3 TP.HCM tuyên bố 3 người là 'đã chết' gồm: ông Trần Quang Vũ (sinh năm 1968), bà Quách Mỹ Lệ (sinh năm 1969) và một trẻ sinh năm 1986 cùng có nơi cư ngụ cuối cùng ở đường Hai Bà Trưng, phường 8 quận 3.
Ngày được tuyên bố chết là ngày 27-12-2003.
Hồ sơ cũng thể hiện, người đưa ra yêu cầu tuyên bố một người là đã chết là ông Trần Đàm và bà Trần Thị Hảo - hai người này là cha và mẹ của Trần Quang Vũ.
Lý do 2 ông bà này đưa đơn yêu cầu tòa tuyên như trên là vì 3 người này không còn ở nơi cư trú từ năm 1996 (đến thời điểm thụ lý đơn xin tuyên bố đã chết là 16 năm).
Quá trình thụ lý vụ việc và thu thập chứng cứ thể hiện cả 3 người này không còn cư trú ở địa phương và đã xóa hộ khẩu từ năm 1998. Từ đó, TAND quận 3 đã ra quyết định giải quyết yêu cầu, tuyên bố là “đã chết” đối với 3 người trên.
Tuy nhiên, theo hồ sơ từ phía Bộ Công an thì Trần Quang Vũ là đối tượng bị truy nã thuộc vụ án Trần Đàm và đồng bọn buôn lậu hàng hóa qua biên giới xảy ra tại công ty Tân Trường Sanh và một số công ty khác ở TP.HCM và các tỉnh theo quyết định khởi tố vụ án hình sự từ năm 1997 của cơ quan An ninh điều tra Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).
Theo điều tra bước đầu, Trần Quang Vũ đã thực hiện hành vi buôn lậu và đưa hối lộ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng rồi bỏ trốn. Vì thế, ngày 10-10-1997 Công an đã ra lệnh truy nã đã biệt toàn quốc và Văn phòng Interpol Việt Nam đã làm thủ tục truy nã quốc tế đối với Vũ.
Dù các cơ quan chức năng đã thực hiện truy bắt Vũ nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa bắt được Vũ và quyết định truy nã Vũ hiện nay vẫn còn hiệu lực.
Đang truy nã mà tòa tuyên bố 'đã chết' là sai
Nói về tình huống Trần Quang Vũ được tuyên bố "đã chết" trên, đại tá Triệu Quang Điện - nguyên trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm công an tỉnh Lạng Sơn, cho rằng nếu trong quá trình truy nã, có căn cứ xác định người bị truy nã đã chết thì cơ quan có thẩm quyền phải ra quyết định đình nã.
Đối với công tác truy nã tội phạm, một quyết định đình chỉ truy nã đối với người bị truy nã đã chết rất quan trọng. “Phải tìm thấy thi thể người bị truy nã, phải có bằng chứng pháp lý về việc người đó đã chết thì mới được ra quyết định đình nã", đại tá Điện nói.
Trong khi, theo ông Điện, quyết định vụ việc dân sự tuyên bố một người đã chết lại hoàn toàn căn cứ vào việc người đó có xuất hiện ở địa phương đó hay không, đăng báo bao nhiêu ngày mà không trở về không phản hồi... thì được tuyên là "đã chết".
"Cái chết do tòa tuyên bằng một quyết định chỉ là cái chết pháp lý. Cái chết pháp lý không phải là cái chết thực, trong khi quyết định truy nã là truy nã một con người thực” - Đại tá Điện nói.
Một cán bộ cảnh sát truy nã khác cũng cho rằng, trong khi quyết định truy nã đang còn hiệu lực thì tòa án ra quyết định tuyên bố người bị truy nã đã chết là không đúng với quy định của pháp luật hình sự.
Nếu người đó đã chết (về mặt pháp lý) thì quyết định truy nã sẽ không còn người để truy nã, nghiễm nhiên phải đình chỉ truy nã, như vậy là sai về tố tụng hình sự - chưa kể việc tuyên bố đã chết trên có dấu hiệu để tẩu tán tài sản hay không?
Theo quy định của pháp luật, người bị truy nã nếu bị bắt thì phải chịu trách nhiệm về những vi phạm pháp luật mình đã thực hiện, trong đó, có phần trách nhiệm dân sự.
Khi tuyên bố người đang bị truy nã đã chết tức toàn bộ tài sản liên quan đến người đó có thể bị tẩu tán, như vậy không thể đảm bảo cho trách nhiệm của họ đối với hành vi vi phạm pháp luật đã gây ra.
Kháng nghị tái thẩm hủy quyết định
Ngay sau khi nhận được hồ sơ từ phía công an cung cấp liên quan đến đối tượng bị truy nã, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM xác định rằng đây là tình tiết mới sau khi quyết định giải quyết vụ việc dân sự đã có hiệu lực pháp luật.
Thực tế, Trần Quang Vũ vẫn đang là đối tượng bị truy nã, không thể được xem là biệt tích vậy nên TAND quận 3 ra quyết định tuyên bố Vũ cùng vợ và con đã chết là không đúng quy định của pháp luật.
Do đó, Viện KSND cấp cao tại Tp.HCM đã ban hành quyết định kháng nghị theo thủ tục tái thẩm, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM hủy quyết định số 11 của TAND quận 3 và đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự.
Điều 81 Bộ luật dân sự 2005: Tuyên bố một người là đã chết
1. Người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Toà án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong các trường hợp sau đây:
a) Sau 3 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Toà án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
b) Biệt tích trong chiến tranh sau 5 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
c) Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 1 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
d) Biệt tích 5 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 78 của Bộ luật này.
2. Tuỳ từng trường hợp, Toà án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết căn cứ vào các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.