Thứ Tư, 5 tháng 10, 2016

Đoạn kết buồn của “trùm trốn nã Việt Nam”

Nguyễn Trung Thành

XH - Ngày 14/5/2013, TAND TP. Hà Nội đã đưa Phạm Văn Trịnh, kẻ giết người từng được mệnh danh là “trùm trốn nã Việt Nam” ra xét xử.

Giết người rồi “cao chạy xa bay”

Hơn 20 năm về trước, Phạm Văn Trịnh (SN 1951, ở thôn Đồi, xã Đông Phương Yên, Chương Mỹ, Hà Nội) nổi tiếng khắp vùng chợ Bụa nhờ thành tích bất hảo của mình. Bảo gã là giang hồ số má cũng chả phải, bởi đời gã năm lần bảy lượt “nhập kho” cũng chỉ vì có mỗi cái “thói quen” thích đánh lộn, uống rượu và ăn cắp vặt. Mỗi lần mãn hạn trở về, gã lại vẫn tiếp tục ăn cắp vặt, uống rượu và đánh lộn, tiếng xấu vẫn râm ran.

Xen giữa những lần vào tù ra tội, gã cũng kịp lấy hai đời vợ và sinh hai đứa con, một gái một trai. Tưởng khi đã yên bề gia thất thì gã sẽ bỏ đi cái máu “giang hồ vặt” mà tu tỉnh làm ăn, nhưng chứng nào tật ấy, gã vẫn suốt ngày say xỉn rồi dặt dẹo “xin đểu” khắp quán chợ lều quê. Đêm 17/9/1991, Trịnh cùng em trai đến quán thịt chó đầu làng ăn nhậu. Ở đây, gã xô xát với mấy khách hàng bàn bên cạnh. Vốn sẵn tính côn đồ, Trịnh vớ ngay con dao thái thịt của đầu bếp đâm chết anh Q là người cùng xã. Ngay sau đó, gã bắt xe ôm ra ga Hà Nội rồi lên tàu chạy trốn vào Nam…

Trịnh kể, khi đã yên vị trên tàu, gã phỏng đoán rằng, nếu “dông tuốt” Sài Gòn thì thể nào cũng bị lực lượng Công an “đón lõng”, nên cách tẩu thoát tốt nhất là xuống một ga xép nào đó, càng hiu quạnh thưa người càng tốt. Gã đã chọn ga Phú Vang, Đà Nẵng. Sau mấy ngày lang thang, núp dưới cái tên giả Nguyễn Văn Thành quê ở Kim Bôi, Hòa Bình, Trịnh xin vào làm công nhân tại một lò sản xuất gạch ở xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Khi người chủ lò gạch hỏi về giấy tờ tùy thân, gã nói dối rằng đã bị mất cắp trên tàu. Đồng thời, gã cũng kịp dựng lên một câu chuyện đầy nước mắt về cuộc đời mình. Nào là bố mất sớm, anh chị em ly tán mỗi đứa một phương, riêng gã, vì không kiếm được việc làm nơi quê nhà nên mới phải bôn ba. Nghe xong câu chuyện cảm động đó, ông chủ lò gạch đồng ý tiếp nhận gã với niềm thương cảm không giấu giếm. Trịnh bắt đầu có nơi nương tựa.

Nhờ cái vỏ bọc đáng thương và dáng vẻ lam làm chịu khó, Trịnh đã lấy được cảm tình của nhiều cô gái địa phương. Trong vòng 9 năm lẩn trốn ở Đà Nẵng, Trịnh lấy vợ ba tên Nguyễn Thị T và sinh thêm một người con. Cuối năm 2000, “đánh hơi” thấy “động”, gã lôi tuốt tuột vợ con vào tận Long Thành, Đồng Nai sinh sống.

Đất lạ quê người, vợ chồng gã hai bàn tay trắng lập nghiệp nên cuộc sống vô cùng khốn khó. Nhiều lúc gã phải nhổ trộm củ khoai, củ sắn của hàng xóm để đắp đậy cơn đói qua ngày. Cộng với nỗi ám ảnh bị săn đuổi, không đêm nào gã có được giấc ngủ trọn vẹn. Chỉ cần tiếng gió đập ngoài phên cửa hay tiếng động cơ xe máy nổ gần cũng khiến gã giật mình. Thậm chí có thời gian gã vác chăn màn, dao rựa, đèn pin lên rẫy ở riết cả tuần không dám ló mặt ra ngoài. Nhiều lúc bi quẫn, gã đã định ra đầu thú để thoát khỏi cảnh lo sợ, hoảng hốt mỗi đêm, nhưng chỉ cần nghĩ sẽ phải lần thứ 3 trong đời giam mình sau song sắt, gã lại từ bỏ toan tính đó.

Sau vài năm, nhờ sự cần cù chịu khó lao động, gia đình nhỏ bé của Trịnh dần có cuộc sống ổn định. Không chỉ “cày sâu cuốc bẫm” trên mảnh đất mà gia đình vợ đã mua cho, gã còn làm đủ thứ nghề để kiếm tiền, từ bốc vác, phu hàng đến cày thuê cuốc mướn. Gã bảo, đó là khoảng thời gian hiếm hoi gã được sống, được đắm chìm trong hạnh phúc. Nhiều khi “hứng chí”, gã còn quên khuấy là mình đang bị săn đuổi, tầm nã gắt gao…


Thời gian không xóa nhòa tội ác

Trước tòa, khi lý giải về hành động trốn chạy của mình, Trịnh bảo lúc đó gã đã quá sợ cái chuyện phải “nhập kho” và đối mặt với ngày dài tháng rộng “ăn cơm tù, mặc áo số”. Hơn nữa, trước khi “Nam tiến”, gã cũng đã phao tin mình bị chết đuối ở Sơn La khi đang cố gắng vượt biên, nên hắn chắc mẩm rằng, cơ quan C ông an sẽ chẳng bao giờ truy nã, săn đuổi một kẻ đã “vùi thây trong bụng nước” làm gì? Nhưng Trịnh đã nhầm. Bởi, với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực truy bắt tội phạm, cộng với lòng quyết tâm không để cho cái ác nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, các trinh sát vẫn quyết tâm lùng bắt bằng được gã về quy án. Giờ đây, gã đang đứng trước vành móng ngựa để chờ đợi phán quyết của tòa.

Ngày gây án, Trịnh mới tròn 40 tuổi, độ tuổi sung sức nhất đời người. Giờ gã vịn vành móng ngựa ở tuổi 63, tóc bạc da mồi, thân hình gầy còm, héo úa. Gã bảo: “Nếu biết pháp luật chưa quên đi tội ác của mình thì bị cáo đã chẳng trốn chạy làm gì cho khổ. Suốt quãng thời gian ấy, bị cáo phải sống chui lủi chả khác gì loài chồn cáo trên rừng. Bố chết không dám về thắp hương, mẹ đau không một giờ nâng giấc, bị cáo ân hận lắm rồi…”.

“Vậy sao trong suốt quãng thời gian ấy, bị cáo không chịu ra đầu thú để được hưởng lượng khoan hồng?”, chủ tọa phiên tòa chất vấn, gã im lặng cúi đầu. Phải mất một hồi lâu, gã mới chịu “giải thích” lý do về việc mình “lặn” liền tù tì một hơi suốt hơn hai thập kỷ kể từ ngày gây án. Đó là bởi gã chắc mẩm rằng, thời gian sẽ xóa nhòa tội ác. Thế cho nên mới có chuyện khi bị các trinh sát thuộc Phòng PC52, Công an TP. Hà Nội và Công an huyện Long Thành ập vào nhà bắt giữ lúc rạng sáng ngày 7/9/2012, gã vẫn còn chối đây đẩy: “Chắc cán bộ bắt nhầm người rồi, “em” là Nguyễn Văn Thành chứ có phải Trịnh đâu?!”. Chỉ đến khi các trinh sát đưa ra những chứng cứ không thể chối cãi, gã mới ngớ người ra ú ớ: “Ơ, thế sao các anh biết “em” ở đây mà tìm?”.

Có lẽ, chả riêng gì gã bất ngờ, ngay cả vợ con gã cũng không thể hình dung nổi một ngày nào đó chồng, cha mình lại phải tra tay vào còng sau ngần ấy năm gây án. Bởi trong suốt thời gian chung sống, họ nhận thấy ở gã sự cẩn trọng đáng kinh ngạc. “Nhất cử nhất động” của mình, gã đều tính toán, “lập trình” từ trước. Thế cho nên, trong suốt hành trình di lý từ Đồng Nai ra Hà Nội, gã không ngừng cật vấn xem mình đã “hớ hênh ở chỗ nào” để đến nỗi bị bắt. Mái đầu của gã vốn đã bạc lại càng bạc thêm…

Khi được nói lời sau cùng, Trịnh khẽ khàng: “Bị cáo biết tội mình rất nặng, không chỉ tước đi một mạng người vô tội, mà bị cáo còn đẩy cả gia đình anh Q vào thảm cảnh: Con mất cha, vợ mất chồng. Từ khi gây án đến giờ, bị cáo không lúc nào thôi ân hận và day dứt. Nhưng, chỉ vì lo sợ phải đi tù nên bị cáo mới trốn chạy ngần ấy năm. Giờ chỉ mong tòa xét đến hoàn cảnh của bị cáo tuổi già sức yếu mà khoan hồng cho một con đường sống…”.

Giờ nghị án chầm chậm trôi đi. Dường như quá mỏi mệt, Trịnh vắt thân hình phất phơ như cái dải khoai qua vành móng ngựa. Khuôn mặt gã bợt bạt, môi tím ngắt như vừa ăn sim chín. Ngồi khuất nẻo ở góc hội trường xét xử, hai người con của gã với người vợ hai cũng không nhấc nổi bước chân lên để động viên thăm hỏi bố lấy một câu. Giữa những con người vốn bị ràng níu bởi tình máu mủ ruột rà ấy, hình như có một khoảng cách vô hình. Họ lặng lẽ, im lìm, chờ đợi. Thỉnh thoảng gã lại ngoái nhìn về phía con, ánh mắt vừa như sợ sệt, vừa như van lơn, mong mỏi một điều gì đó, nhưng đáp lại chỉ là sự lặng im. Sau những lỗi lầm thời trai trẻ, giờ gã đã hoàn toàn tay trắng. Không ánh mắt sẻ chia của người thân, không cắc bạc dính túi để đền bù tổn thất cho gia đình bị hại, đời gã có cái kết buồn vô hạn.

Thời khắc chờ đợi quyết định sinh tử rồi cũng trôi qua, tòa tuyên gã tử hình. Không còn giữ được bình tĩnh, gã đổ ụp xuống vành móng ngựa, hai bàn tay run rẩy che lấy khuôn mặt nhòe nhoẹt nước. Gã khóc. Tiếng nức nở bật lên thê thiết. Khi bị các chiến sỹ cảnh sát dẫn giải lên xe thùng về lại trại giam, gã cố ngoái đầu về phía cuối hội trường lần cuối: “Bố xin lỗi các con!”.