VNN - Có những doanh nhân được vinh danh là Gương mặt trẻ tiêu biểu, doanh nhân tiêu biểu... đã phải tra tay vào cùm vì những hành vi phạm pháp của mình.
Bầu Kiên: Doanh nhân tiêu biểu thê thảm trong tù
Trước khi bị bắt, Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) được biết đến là đại gia quyền lực nhất giới ngân hàng. Ông từng giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Á Châu (ACB) và lãnh đạo của cả chục tổ chức tài chính, doanh nghiệp, ngân hàng khác.
Nguyễn Đức Kiên cũng là nhân vật có ảnh hưởng lớn đến nền bóng đá Việt Nam. Ông từng giữ chức Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội ACB. Bầu Kiên nổi tiếng với những phát ngôn về bóng đá và vụ tranh chấp bản quyền truyền hình bóng đá Việt Nam.
Bên cạnh lĩnh vực ngân hàng và bóng đá, bầu Kiên còn đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực khác như du lịch, may mặc… Ông đã từng là Chủ tịch của Liên doanh dầu nhờn Caltex và Phó Chủ tịch của Liên doanh KFC Việt Nam. Trong lĩnh vực du lịch, ông có “ghế” trong hội đồng quản trị của CTCP Dịch vụ Du lịch Chợ Lớn và CTCP Du lịch Thiên Minh.
Bầu Kiên không chỉ giàu về tiền mà còn giỏi 'điều binh khiển tướng', tài ăn nói, phong cách đầy uy lực khiến ai cũng nể sợ. Vì thế, không có gì lạ khi năm 2011, bầu Kiên từng được báo VnEconomy bình chọn danh hiệu “Doanh nhân của năm”. Nhưng rồi, bầu Kiên bị bắt và bị tuyên án 30 năm giam.
'Người đương thời' Nguyễn Đình Chiến lĩnh án chung thân
Tháng 3/2011, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội xét xử bị cáo Nguyễn Đình Chiến (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Đầu tư Thương mại Bắc Hà, TGĐ Tập đoàn Bacha Group Limited Hongkong) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo trạng, khoảng giữa năm 2007, ông Chiến đã sử dụng nhiều loại giấy tờ giả nhằm ngụy tạo năng lực tài chính để vay vốn rồi chiếm đoạt gần 26,5 tỷ đồng của Công ty cổ phần Xây dựng Thương mại Đầu tư Đại Viễn Dương và Trường Đại học Nguyễn Trãi (quận Hà Đông, Hà Nội).
Với nhận định "hành vi của ông Chiến là đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng uy tín của môi trường kinh doanh", HĐXX tuyên phạt bị cáo án tù chung thân. Tòa còn tuyên buộc ông Chiến phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền đã chiến đoạt cho các bị hại.
Trước khi bị đề nghị truy tố lần này, có lẽ Nguyễn Đình Chiến là một trong những doanh nhân có “thành tích” rất đáng nể. Bởi lẽ, chỉ trong vòng 10 năm, ông ta từng 5 lần bị khởi tố về tội lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nhưng 4 lần ông ta được đình chỉ điều tra bị can. Lần thứ 5, vào năm 2006, ông Chiến phải ra trước vành móng ngựa nhưng rồi ông ta lại một lần nữa thoát được bản án 18 năm tù giam. Sau vụ việc này, ông kiện cơ quan pháp luật tỉnh Cần Thơ và đòi bồi thường 570 tỷ đồng cho “vụ oan sai xuyên thế kỷ” này.
Và ông ta càng “nổi tiếng” hơn khi xuất hiện trong chương trình “Người đương thời” của Đài THVN được phát vào một buổi tối cuối tháng 5/2009 với vai trò doanh nhân thành đạt.
Nữ tỷ phú Gương mặt trẻ tiêu biểu bị truy tố tội lừa đảo
Công an tỉnh Thái Bình vừa khởi tố Trần Thị Thuấn Hoa (33 tuổi, ở TP.Thái Bình; nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thuấn Hoa) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo điều tra ban đầu, Hoa đã lừa chiếm đoạt 650 triệu đồng của Nhà nước.
Thông tin Hoa chiếm đoạt của Nhà nước qua hình thức tiền hỗ trợ ngân sách để nghiên cứu khoa học khiến nhiều người bất ngờ. Bởi với người dân Thái Bình, Hoa là gương mặt không xa lạ, nhất là với những người nông dân. “Tỷ phú 8X” này thành danh trên chính vùng quê nghèo khó ở lĩnh vực mà ít người trẻ muốn lao vào: chăn nuôi lợn.
Năm 2005, sau khi sang Hàn Quốc theo dạng xuất khẩu lao động, Hoa về quê đầu tư xây dựng trang trại nuôi lợn thịt với quy mô 2.000 con. Năm 2010, Hoa mở thêm 2 cơ sở chăn nuôi, tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đồng, doanh thu hàng năm đạt trên 60 tỷ đồng. Mô hình chăn nuôi của Hoa đã được bà con nông dân cả nước học hỏi.
Năm 2012, Hoa được vinh danh 1 trong 10 “gương mặt tiêu biểu toàn quốc”. Bên cạnh giải thưởng cao quý này, Hoa từng được nhận giải thưởng Lương Định Của, bằng khen của UBND tỉnh và là đại biểu HĐND tỉnh Thái Bình 2011-2016. Hoa được báo Thái Bình mô tả là hội viên tiêu biểu của hội nông dân, hội phụ nữ các cấp, là đoàn viên xuất sắc của Đoàn Thanh niên.
Bí mật sau mác "doanh nhân tiêu biểu" của ông trùm Minh “sâm”
Năm 2014, dư luận xôn xao vụ Nguyễn Ngọc Minh (tức Minh “sâm”) bị cơ quan chức năng bắt vì một loạt hành vi phạm tội. Từ đây, tấm màn bí mật về băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen đội lốt các doanh nhân thành đạt này đã được lột ra. Vị giám đốc “giỏi thương trường, sống vì cộng đồng, chịu chơi” của Công ty TNHH Đại An Nguyễn Ngọc Minh chính là đối tượng cầm đầu.
Minh "sâm" từng được “tô vẽ” là một doanh nhân vượt khó vươn lên. Câu chuyện được dựng lên rằng sau nhiều phen sóng gió thị trường, Công ty Đại An dưới sự chèo lái của vị giám đốc tài ba Nguyễn Ngọc Minh đã trở thành doanh nghiệp số 1 về kinh doanh đồ gỗ cao cấp và là đối tác hàng đầu cung cấp gỗ nguyên liệu cho toàn bộ khu vực sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ - Phù Khê.
Cứ vậy, lời đồn về tiếng tăm “ông trùm” Minh “sâm” ngày một vang xa, họ càng “nể” hơn khi thấy Công ty Đại An luôn đi đầu trong các hoạt động từ thiện nhân đạo như bỏ cả tỷ đồng mỗi năm để thực hiện công tác an sinh xã hội. Công ty của Minh nhiều năm được công nhận danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, được trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen các loại.
Còn bản thân Minh “sâm” đã được vinh danh là 1 trong 1000 doanh nhân tiêu biểu của cả nước trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Minh “sâm” và “phó tướng” Nguyễn Thành Hưng (biệt danh Hưng “sóc”) từng được ca ngợi là những tấm gương hoàn lương giúp đời, giúp người. Từ những giang hồ cộm cán khét tiếng một thời, 2 "ông trùm" này đã trở thành “người hùng” khi làm giàu từ kinh doanh và tạo công ăn việc làm cho nhiều người ở địa phương.