Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2015

Dính chiêu lừa khó tin, mất gần 3 tỷ đồng

T.Nhung

VNN - Khi chị P. thắc mắc thì đối tượng yêu cầu chị khai có những tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng nào, số tiền bao nhiêu... Chị P. thật thà khai có 2 tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng BIDV.

Ngày 7/5, PC50 Công an Hà Nội cho biết, thời gian vừa qua, trên địa bàn cả nước và Hà Nội liên tục xảy ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn vô cùng tinh vi.

Các đối tượng dụ dỗ người dân làm thẻ thanh toán quốc tế tại các ngân hàng ở VN, rồi mua lại và mang sang nước ngoài, sau đó dùng phương thức gọi điện thông qua mạng internet đến số điện thoại máy cố định của người dân, giả là nhân viên của tổng đài, thông báo số điện thoại đúng tên của họ ở tỉnh ngoài, đang nợ cước điện thoại

Đối tượng yêu cầu người dân phải cung cấp thông tin cá nhân gồm tên, tuổi, địa chỉ và CMND để đối chiếu. Sau đó sẽ chuyển máy để "con mồi" nói chuyện với đối tượng khác. 

Ở đầu dây bên kia, đối tượng "vào vai" cán bộ công an, VKSND, tòa án.... để giải quyết.

Theo kế hoạch lừa đảo đã được lên kịch bản từ trước, các đối tượng này sẽ thông báo tài khoản ngân hàng đứng tên "con mồi" liên quan đến đường dây ma túy, rửa tiền, tham nhũng mà cơ quan công an đang điều tra với số tiền rất lớn.

Đối tượng dò hỏi thông tin xem người dân mở những tài khoản nào ở ngân hàng, số tiền gửi và yêu cầu phải rút toàn bộ số tiền gửi, gửi vào tài khoản mà đối tượng cho sẵn để phục vụ việc điều tra, nếu xác minh không liên quan thì sẽ trả lại trong 1-2 ngày.

Sau khi chuyển tiền, người dân chờ đợi nhưng không được trả lại tiền, mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Phòng PC50, Công an Hà Nội cho hay: Từ đầu tháng 4/2015, đơn vị liên tiếp nhận được 13 đơn trình báo của bị hại, tổng số tiền thiệt hại gần 3 tỷ đồng.

Cụ thể, vào ngày 15/4/2015, chị P. (SN 1963, ở quận Hà Đông, HN) nhận được cuộc gọi tới số máy bàn thông báo- chị nợ cước điện thoại 8,9 triệu đồng.

Chị P. thắc mắc thì được đầu dây bên kia hướng dẫn chị bấm vào nhánh số 0 để được tư vấn.

Chị P. làm theo và thắc mắc về việc mình không nợ số tiền trên thì được thông báo chị có đăng ký số ở Tây Ninh chưa thanh toán tiền cước.

Đối tượng cho biết, vì số máy này ở Tây Ninh nên sẽ chuyển cuộc gọi cho công an tỉnh Tây Ninh để giải quyết tiếp.

Sau khi chị P. trình bày sự việc với người xưng là Công an tỉnh Tây Ninh để được giải quyết thì đầu dây bên kia đưa ra thông báo- thời gian gần đây xảy ra rất nhiều vụ trộm cắp thông tin cá nhân để dùng vào mục đích phạm pháp và yêu cầu chị P. phối hợp với cơ quan Công an để điều tra.

Đối tượng thông báo, vừa nhận được quyết định của VKSND trong đó có chị P. trong danh sách những người có liên quan đến đường dây ma túy, rửa tiền với số tiền rất lớn và nói chị P. có một tài khoản 1,3 tỷ đồng.

Khi chị P. thắc mắc thì đối tượng yêu cầu chị khai có những tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng nào, số tiền bao nhiêu... Chị P. thật thà khai có 2 tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng BIDV.

Trong lúc chị P. đang hoang mang thì đầu dây bên kia tiếp tục "tấn công" bằng việc đưa ra thông tin: “Hiện nay tài khoản của chị đã bị đánh cắp thông tin và có thể bị rút bất cứ lúc nào. Để bảo toàn số tiền của chị, chúng tôi sẽ hướng dẫn chị ra ngân hàng rút tiền và chuyển tiền vào tài khoản của chúng tôi cung cấp”.

Tin rằng đầu dây bên kia là cơ quan công an, chị P. đã rút và chuyển 400 triệu đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp. Sau khi biết mình bị lừa, chị P. đã trình báo sự việc với cơ quan công an.

Cùng thủ đoạn trên, ngày 5/5, kẻ xấu đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chị X. (SN 1953, ở quận Đống Đa) số tiền 240 triệu đồng...

Trao đổi với VietNamNet, Thượng tá Ngô Minh An, Phó Phòng PC50 cho biết: Người dân hãy cảnh giác vì cơ quan công an không triệu tập, gọi hỏi qua điện thoại. Khi được mời làm việc đều có giấy mời hoặc giấy triệu tập. Cơ quan công an cũng không mở tài khoản ngân hàng mang tên cá nhân.

Cũng theo lãnh đạo PC50, thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi khi dùng Internet thông qua phương thức VOIP (viết tắt của Voice over Internet Protocol, nghĩa là Truyền giọng nói trên giao thức IP) để gọi điện nhằm tránh sự truy xét của cơ quan công an.

Sau khi tiền của nạn nhân chuyển vào tài khoản thì các đối tượng sẽ rút toàn bộ tiền ở nước ngoài. Điều này đã gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc truy xét đối tượng.

Liên quan đến việc các đối tượng giả mạo cán bộ của cơ quan công an, VKS, tòa án yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản để phục vụ công tác điều tra sau đó chiếm đoạt, trước đó, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50 - Bộ Công an) cũng đã khuyến cáo người dân: Khi nhận được các cuộc gọi lạ, có dấu hiệu nghi vấn cần bình tĩnh, không làm theo yêu cầu hoặc làm theo dẫn dụ bấm các phím số trên máy điện thoại.

Đặc biệt là không chuyển tiền vào các tài khoản theo yêu cầu của người lạ.

Người dân cần cảnh giác khi nhận được cuộc gọi lạ, đặc biệt người xưng là nhân viên viễn thông, cán bộ cơ quan pháp luật. Không nên cung cấp tài khoản, thẻ tín dụng cho người khác. Cần thông báo ngay cho cơ quan Công an khi có sự nghi ngờ để cùng phối hợp giải quyết.