Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

Dũng 'lò vôi' đã xây dựng Đại Nam như thế nào?

VNN - Mất hơn 10 năm và hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng Đại Nam thành KDL tâm linh - giải trí hàng đầu Đông Nam Á, ông Dũng 'lò vôi" bị cho là khùng khi "đổ tiền tỷ để nhặt bạc cắc".

Nổi danh từ khi còn là ông chủ xí nghiệp sơn mài Thành Lễ, rồi chủ khu công nghiệp Bình Đường, Sóng Thần 1 và Sóng Thần 3 (Bình Dương), nhưng điều làm nên tên tuổi thực sự của doanh nhân Huỳnh Uy Dũng là khu du lịch giải trí - tâm linh được đánh giá hàng đầu Đông Nam Á.

Thế nhưng, suốt hơn 10 năm âm thầm xây dựng đến khi khánh thành năm 2008, ông vẫn luôn bị gán cho biệt danh "hâm, khùng", bởi ý tưởng "bỏ tiền tỷ, thu bạc cắc".

Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến toạ lạc tại địa bàn phường Hiệp An, TP. Thủ Dầu Một. Vào những năm cuối thế kỷ 20, nơi đây vẫn chỉ là một vùng đất hoang sơ, có chỗ là rừng cao su bạt ngàn.

Ông Huỳnh Uy Dũng khi đó nắm quyền thuê gần 500 ha đất tại đây, và vị này đã bắt tay vào việc lên kế hoạch, chuẩn bị những bước ban đầu cho việc biến vùng đất này trở thành điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất khu vực phía Nam, ngay khi rời khỏi chức vụ tại công ty Thành Lễ.

Ngay tại thời điểm bắt tay lên kế hoạch xây dựng, ông chủ Đại Nam đã nhận được nhiều lời khuyên bán khu đất để thu tiền tươi, thay vì xây khu du lịch "vừa tốn kém, vừa không mang lại hiệu quả kinh tế". Khi ấy, vị này đã khẳng định: "Không làm vì lợi nhuận, mà chỉ muốn góp công sức để lại cho đời, cho người. Tôi sẽ làm di chúc cho gia đình, con cháu của tôi, yêu cầu không được mang khu Đại Nam ra thế chấp ngân hàng, không được bán buôn khu Đại Nam như bất động sản... Con cháu chỉ được thừa kế tôn tạo, tu bổ, nâng cấp, mà không được thừa kế như tài sản để có quyền mang ra chia chác bán buôn... ".

Việc chuẩn bị cơ sở vật chất trước khi khởi công công trình này kéo dài tới 10 năm, bởi những yêu cầu khắt khe từ chính ông Dũng "lò vôi". Để có sắt thép, gạch ngói dùng trong công trình có vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng này, ông Dũng thậm chí còn lập ra cả nhà máy gạch, nhà máy cơ khí... để chủ động nguồn nguyên vật liệu. Tháng 9/1997, công trình chính thức khởi công.

Điều ít người biết về khu du lịch này là công trình hoàn toàn không tốn tiền thiết kế. Ông chủ của Đại Nam đã nghĩ ra phối cảnh, tự hình dung ra bản mẫu và chỉ đạo công việc xây dựng.

Thời gian đầu, công trình tiêu tốn của đại gia người Bình Định khoảng 3.000 tỷ đồng, nhưng trong khoảng 2 năm trước lễ khánh thành, có lúc, số tiền mà ông bỏ ra mỗi ngày trung bình lên tới 1 tỷ đồng. Trong suốt hơn 7 năm kể từ khi chính thức công bố khởi công, vị này luôn dành thời gian ban ngày để giám sát thi công, điều hành quản lý hoạt động của khu du lịch, còn ban đêm ông thức viết thơ, viết sách.

Sau khi khánh thành khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến, vào tháng 9/2008, ông cho tổ chức “lời thề không nợ nần ai”. Trước 2.000 cán bộ công nhân viên, ông thề kể từ thời điểm này công ty không còn nợ nần ai, và không bao giờ vay mượn của ai một đồng nào.

Trên bia đá ngay trước Đền thờ Đại Nam, ông cho khắc bài viết “Thì ra vậy!”, với nội dung: “Lại là một ước mơ ngu xuẩn nữa của ‘anh’ chứ gì? Khi những người khác nói với tôi rằng: Tôi không thể làm chuyện này, chuyện nọ…Rằng tôi chỉ là một kẻ mơ mộng, điên rồ, ngông cuồng, kiêu kỳ và rồi tôi sẽ thất bại. Tôi cảm thấy bị tổn thương và tức giận. Tôi đã dùng nguồn năng lượng tiêu cực của họ cộng với tình cảm tiêu cực của tôi đối với họ, để tạo ra sự bùng nổ cảm xúc, đủ lớn, đủ mạnh để trợ giúp cho tôi thực hiện những giấc mơ gian khổ. Một lần nữa xin trả lời: Thành công là sự trả ơn ngọt ngào nhất! Thì ra vậy!!!”.

Bỏ tiền xây dựng Đại Nam, nhưng trong những năm điều hành, không ít lần ông Dũng lại mở cửa miễn phí cho khách tham quan, đặc biệt là đối với khu Kim điện. Nhiều người đặt câu hỏi, ông lấy tiền ở đâu để duy trì hoạt động cho khu du lịch này. Và câu trả lời của ông khiến không ít người bất ngờ: một phần chi phí được bù đắp từ chính nguồn thu yến sào do công trình mang lại.

"Lúc tôi xây 5 ngọn núi cao phía sau đền Đại Nam cốt tạ ơn, hiến dâng trời đất, tổ tiên... thật kỳ lạ, núi xây xong, lập bàn thờ bách gia trăm họ, không biết chim yến từ đâu kéo về hàng đàn làm tổ. Hiện nay, ước có tới 6.000 con chim yến, mỗi tháng thu được 15 kg yến sào, rồi tăng lên 30 kg/tháng. Mỗi kilô yến sào khoảng 40 triệu đồng. Mỗi năm, thu hoạch yến sào cũng hơn tỷ đồng. Tôi có thêm nguồn kinh phí để đầu tư lại cho khu du lịch", vị này nói.

Những khi không bận đi công tác, ông chủ Đại Nam vẫn dùng chiếc xe máy hiệu Wave Alpha để chạy quanh khu du lịch, mỗi ngày ăn chưa tới 50.000 đồng, một tuần ăn chay 4 ngày.

Thậm chí, vị này còn ấp ủ ý tưởng xây dựng một khu nhà riêng tự cung tự cấp, trồng 4 sào lúa, nuôi hồ cá, có vườn quả và trồng đậu tương để ép dầu làm đèn cầy thắp sáng cho đền Đại Nam. Và nếu như một ngày nơi đây không còn hoạt động, ông sẽ chuyển sang viết sách:"Sống một cuộc đời đơn giản, đạm bạc, tìm con đường thánh thiện, sáng nghe kinh, chiều đọc sách, chơi với con là đủ rồi".

Theo Zing